Chấm hoa vàng(1) của tác giả Hà Thiên Sơn là tập thơ khá lạ. Với chất riêng của haiku Việt, 200 bài thơ của anh có đề tài rất phong phú. Nhà thơ không chỉ nói về vẻ đẹp mong manh của hoa Anh Đào, nghĩa tình thâm sâu của mẹ của cha, nét duyên dáng đằm thắm của em, mà còn gợi nhớ tình quê thăm thẳm với ao làng, góc sân, con đường thơm rơm mới… Đặc biệt 8 bài có hình tượng Bão… xuất hiện thật ấn tượng. Tôi đã bị chinh phục bởi Vẻ đẹp của Bão trong tập thơ nhỏ xinh mà không kém phần dữ dội ấy.

Đọc và cảm nhận những bài thơ có Bão như một nét nhấn của tứ thơ trong Chấm hoa vàng, bạn sẽ khám phá ra một điều thoạt nghe rất nghịch lí: Bão cũng có vẻ đẹp riêng… Dường như Bão là ám ảnh của khát vọng và sự chiêm nghiệm cuộc đời mà tác giả gửi vào cảm xúc thơ với ngôn từ giàu sức gợi… Bạn hãy lắng nghe những giai điệu nhẹ mà hùng trong từng sắc thái của Bão:

3. Vườn cây
bão tràn qua
lá khẽ chạm nhau.

63. Nhành liễu
bão tràn qua
nhẹ nhàng đứng dậy.

148. Hoa hồng
bão tràn qua
nỗi buồn bến đợi.

Thật kỳ lạ, 3 bài thơ đều có cảnh Bão tràn qua nhưng ta không thấy ở đây sự dữ dội điêu tàn mà Vườn cây, Nhành liễu, Hoa hồng vẫn xuất hiện như biểu tượng của cái đẹp và sự sống. Vườn cây khi gặp bão không hề ngã gục mà Lá khẽ chạm nhau như đang muốn tâm tình… Nhành liễu gặp bão vẫn nhẹ nhàng đứng dậy. Đóa hồng như quên bão tố để dến với nỗi buồn bến đợi thanh khiết lắng sâu…

Và rồi ở 2 bài thơ khác, Mùa bão giông, Mùa bão cát lại ùa đến… vậy mà Hàng cây với những thớ gỗ chỉ vặn mình cùng Thành phố vượt qua thử thách của nỗi ám ảnh sa mạc loang dần để ung dung tự tại “Sống chung với bão”:

54. Hàng cây
Mùa bão giông
Thớ gỗ vặn mình.

74. Thành phố
Mùa bão cát
Sa mạc loang dần.

Điều gì đã làm nên sức sống ấy? Không hiểu sao tôi bỗng liên tưởng tưởng đến hình tượng ông lão đánh cá Santiago trong tác phẩm Ông già và biển cả của E. Hemingway… Sự sống, đặc biệt sức sống của con người thật kỳ diệu. Chẳng ai muốn bão tố, sóng gió nhưng nếu chúng cứ xảy ra thì sao ta không bình thản đón nhận, coi Bão như một phép thử khốc liệt của thiên nhiên… về lòng dũng cảm, sự chung thủy, tình yêu cuộc sống, khát vọng vươn lên…

Chùm thơ có Bão lại đánh thức cảm xúc của ta. Nhưng điều thú vị ở đây là Bão được nhìn ở một góc độ khác. Bão không chỉ là những suy ngẫm về lẽ đời mà còn là hình ảnh tươi nguyên màu sắc cuộc sống:

34. Vệt lửa
lá lìa cành
bão lòng thổi mãi.

150. Bão đến
thuyền gối bãi
con mắt không khép.

185. Gió mưa
em kề vai
ngoài kia là bão.

Cuộc sống thường nhật ùa vào thơ với Lá lìa cành, Thuyền gối bãi, Gió mưa và cả Em nữa… Mỗi bài thơ đều ẩn chứa bao nỗi niềm nhân thế. Chiếc lá lìa cành như Vệt lửa khiến Bão lòng thổi mãi như suy tư của một triết nhân… Và khi Em kề vai thì Gió mưa và Bão dù ở cấp 15 chăng nữa chỉ có thể là “nhân vật phụ” ở Ngoài kia và đóng vai “chứng nhân”… mà thôi! Khoảnh khắc haiku lãng mạn ấy rất gần với một giai điêu lục bát cũng có Bão xuất hiện thật nên thơ: Mới hay bão bể mưa rừng / Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau / Tìm em chẳng thấy em đâu / Ngoài kia bão bể mưa ngâu cuối trời…

Thơ là tiếng nói của tâm hồn, dường như Bão cũng là một biểu tượng về lẽ đời mà tác giả Hà Thiên Sơn muốn chia sẻ. Phải thế chăng mà ngay từ bài thứ 3 của Chấm hoa vàng Bão đã xuất hiện và cứ thể thấp thoáng trải dài theo cảm xúc của nhà thơ. Đấy là hiện thực hay con mắt không khép xuất hiện như một ẩn dụ. Hay nói như nhà văn Nhật Chiêu: Nỗi nhớ là “con mắt không khép”. Có con mắt của thuyền và con mắt của người. Những con mắt nhìn vào phong ba, bão táp. Nhớ trùng dương… Đọc những bài haiku có dấu hiệu bão tố ấy, ta như ngộ ra ý vị Thiền và cái đẹp từ tâm qua giọng điệu, hình ảnh, ngôn ngữ thơ và đặc biệt là cảm xúc của chủ thể trữ tình… Chất Thiền ở đây phải chăng là tình yêu cuộc đời, sự bình tâm nhìn sự vật, con người vượt qua bão tố bằng con mắt an nhiên… và làm nên Vẻ đẹp của Bão (Vẻ đẹp của những bài thơ có Bão) – một trong những nét độc đáo của Chấm hoa vàng.

Mùa Hạ, 2010

Đặng Kim Thanh

(1) Chấm hoa vàng, Hà Thiên Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2010.