GIỚI THIỆU CHUNG

Ngày 24/6/2007, tại quán cà phê Viễn Xưa, đường Nguyễn Duy, quận Bình Thạnh TP.HCM, Nhà giáo ưu tú, PGS. Lưu Đức Trung cùng các bạn bè và học trò thân thiết đã thành lập Câu lạc bộ Thơ Haiku Việt TP.HCM – câu lạc bộ Haiku Việt đầu tiên trong cả nước. Sự kiện ấy đã đánh dấu một bước phát triển của thơ Haiku ở Việt Nam:

Thơ Haiku – một thể thơ trọng yếu, tinh hoa của văn học, văn hóa Nhật Bản, thể thơ quốc tế duy nhất hiện nay trên thế giới – từ đó đã chính thức đi vào đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Đến nay, câu lạc bộ đã trở thành một hiện tượng văn học mới trong bức tranh văn học phong phú, và luôn vận động, phát triển, không chỉ ở khu vực miền Nam nói riêng mà trong cả nước nói chung. Từ phạm vi nhỏ của một câu lạc bộ thơ, trong 10 năm, câu lạc bộ đã không ngừng mở rộng, nâng cao về phạm vi hoạt động lẫn chất lượng chuyên môn. Ngày 24/6/2017, câu lạc bộ đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập, đánh dấu một chặng đường hình thành và phát triển với nhiều thành tựu nhưng cũng lắm gian nan. Hành trình ấy, như bài haiku của một thành viên trong CLB đã khái quát:

Haiku mười năm
hoa hồng vẫn nở
dẫu cuộc thăng trầm.

LỊCH SỬ
HÌNH THÀNH

GS. Lưu Đức Trung và các thành viên sáng lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM
GS. Lưu Đức Trung và các thành viên sáng lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM
Kỷ niệm 4 năm ngày thành lập CLB
Kỷ niệm 4 năm ngày thành lập CLB
Kỷ niệm 6 năm thành lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM
Kỷ niệm 6 năm thành lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM

Chặng thứ nhất: Chạm ngõ Haiku

Chặng thứ nhất đánh dấu giai đoạn tìm đường gian khó trong 5 năm, từ khi CLB haiku Việt chỉ là một nhóm nhỏ với khoảng 10 thành viên do thầy Lưu Đức Trung – chủ nhiệm CLB khởi xướng. Tờ nội san khi ấy mang tên “Hương Cau” ra đời như một dấu mốc cho việc định hướng con đường tìm tòi nghiêm túc về thơ haiku ở Việt Nam, mở ra một sân chơi nghệ thuật thực sự mà sau này sẽ tạo ra sức hút và sự ảnh hưởng trong cả nước. Cái tên “Thơ Haiku Việt” và tờ nội san số thứ 2 của CLB được định hình sau một năm thành lập CLB.

Thời điểm này, CLB rất thiếu nhân sự, đặc biệt là các bạn trẻ – những người có thể đảm đương việc biên tập, in ấn nội san và quản lí trang web. Lúc này, bên cạnh PGS Lưu Đức Trung là các bạn trẻ gắn bó với thầy từ những ngày đầu như: Kim Sơn, Thùy Trang, Thiên Bảo. Ban chủ nhiệm, các thành viên chủ chốt của CLB lúc bấy giờ là cô Đặng Kim Thanh – giảng viên ĐH Sài Gòn, Tiến sĩ Hóa học Vũ Tam Huề, Tiến sĩ mỹ học Lâm Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thúy – giảng viên văn học Nhật – khoa Ngữ Văn Đại học Sư Phạm TP.HCM, họa sĩ Lâm Vinh, và đặc biệt là nhà nghiên cứu Nhật Chiêu – người đã sát cánh cùng CLB từ những ngày đầu, luôn đóng vai trò quan trọng: cố vấn chuyên môn của CLB Haiku Việt cho đến tận ngày nay.

Ở chặng đầu gian khó, nhiệm vụ đầu tiên mà ban chủ nhiệm CLB luôn trăn trở là làm cách nào để hiểu được một cách chân thực, khách quan về thơ haiku Nhật – hạt giống mà chúng ta sẽ ươm trồng trên đất Việt. Vì vậy, các nhà nghiên cứu, nhà giáo trong CLB đã tích cực tìm hiểu lý thuyết thơ haiku, dịch thuật thơ haiku và quan sát sự lan tỏa của haiku Nhật trên khắp khu vực Đông Nam Á và thế giới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cố gắng tìm hiểu cách thức các câu lạc bộ, Hiệp hội Haiku ở Nhật vận hành như thế nào để có thể học hỏi mô hình làm việc, áp dụng cho CLB.

Mặc dù trong giai đoạn đầu nhân sự không nhiều, nhưng với sự cố gắng và lòng say mê đối với thơ haiku, chúng tôi đã có được một khối lượng tư liệu đáng kể về lý thuyết haiku được sưu tầm dịch thuật để có thể phổ biến cho tất cả các thành viên trong CLB, nhằm nâng cao trình độ nhận thức hiểu biết sâu hơn về thể thơ rất mới này ở Việt Nam.

Về mặt chất lượng sáng tác, giai đoạn này chưa có nhiều sáng tác hay, mang tính nghệ thuật cao vì đây chỉ là bước đầu làm quen với nhịp điệu haiku, nhưng trong CLB cũng đã xuất hiện một vài nhân tố dự báo sẽ là những gương mặt haijin thực thụ trong tương lai. Những hạt giống này đều phát huy tài năng trong giai đoạn thứ hai của hành trình 10 năm.

Tóm lại, tuy chặng thứ nhất chỉ là bước đầu “chạm ngõ haiku” – tìm đường đi vào “Hài cú Đạo” nhưng có thể nói với vai trò định hướng quan trọng, sáng suốt của vị chủ nhiệm Lưu Đức Trung, người rất tâm huyết với haiku, mà chúng tôi đã có niềm tin tưởng rằng con đường mình đang đi sẽ ngày một mở rộng về phía trước.

Chặng thứ hai: Đi tìm Bản sắc Haiku Việt

Sau năm năm hoạt động, CLB càng thu hút thêm nhiều thành viên trẻ – những người này chính là lực lượng nòng cốt tiếp nối hành trình haiku trên đất Việt. Hạt giống haiku ngày một nảy nở trên mảnh đất phương Nam đầy nắng ấm, tỏa hương thơm khắp nơi. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đã có rất nhiều tâm hồn yêu thơ ca nghệ thuật tìm đến tham gia sinh hoạt. Mỗi tháng, CLB đều kết nạp thêm những thành viên mới. Lực lượng nòng cốt của giai đoạn này đều là các bạn trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức kết nạp cho các thành viên ở xa, trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước, với hi vọng sẽ mang đến cho độc giả, bạn bè yêu thích văn chương món ăn tinh thần mới lạ, ý nghĩa và độc đáo.

Chặng thứ hai đánh dấu bước trưởng thành đáng khích lệ trong hoạt động truyền bá, sáng tác và nghiên cứu thơ haiku ở Việt Nam.

Có hàng loạt các haijin mang dấu ấn phong cách riêng được khẳng định, đó là Đông Tùng, Thái Trọng, Minh Trí, Thùy Nhung, Thanh Tùng, Chân Như. Bên cạnh những haijin kỳ cựu như Lưu Đức Trung, Vũ Tam Huề, Trần Đức Việt. Hầu hết các tác giả trẻ nổi bật đều được khích lệ xuất bản các tập thơ cá nhân, được sự giới thiệu động viên của các haijin cao niên đi trước. Vì vậy, giai đoạn này, hàng loạt các ấn phẩm cá nhân, và các tuyển tập thơ Haiku của CLB được xuất bản, ra mắt bạn đọc trong cả nước. Đặc biệt là haijin Lưu Đức Trung – chủ nhiệm CLB, tuy là haijin cao tuổi nhất nhưng có số lượng ấn phẩm xuất bản nhiều nhất và có chất lượng cao. CLB luôn có những gương mặt đoạt giải cao trong các cuộc thi Thơ Haiku Việt – Nhật do Lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức hàng năm như: Phượng Nhi, Đinh Xuân Hảo, Trần Đức Việt.

Bên cạnh đó, giai đoạn thứ hai này cũng đánh dấu sự phát triển của mảng bình thơ haiku. Bình thơ là hoạt động rất phù hợp với việc phát triển thơ haiku ở Việt Nam. Thông qua hoạt động bình thơ, người đọc sẽ được cảm nhận những bài thơ haiku dưới góc độ chuyên môn cao hơn, từ đó nâng cao trình độ cảm nghiệm nghệ thuật và hiểu hơn về haiku. Những gương mặt bình thơ haiku nổi bật của CLB luôn mang đến cho người đọc cái nhìn mới lạ, độc đáo trong từng bài bình như: Song Khê, Xuân Hảo, Thái Trọng, Nhã Trúc, Minh Trí, Đông Tùng, Thu Lê.

Các thành viên CLB họp mặt giao lưu, bình thơ ngày Tết
Các thành viên CLB họp mặt giao lưu, bình thơ ngày Tết

Song song với hoạt động bình thơ là hoạt động nghiên cứu. Đây là lĩnh vực được Ban chủ nhiệm dồn tâm huyết nhiều nhất bởi nếu hoạt động nghiên cứu không mạnh, rất dễ đi sai đường. Dưới sự dẫn dắt, định hướng khoa học của thầy Lưu Đức Trung và chuyên gia Nhật Chiêu, các vấn đề nghiên cứu về thơ haiku được đào sâu nghiên cứu, chủ yếu là đi vào giải quyết những vấn đề căn cơ nhất trong quá trình tiếp biến thơ haiku ở Việt Nam: Haiku Việt nên giữ lại điều gì của haiku Nhật? Bản sắc của haiku Việt là gì? Sự khác nhau cơ bản về mặt ngôn ngữ trong haiku Việt và Nhật? Làm thế nào để đưa thơ haiku vào giảng dạy trong hệ thống nhà trường Việt Nam? Phương pháp giảng dạy thơ haiku trong nhà trường. Hàng loạt những bài nghiên cứu chất lượng, tâm huyết đã gửi đến, nhằm trao đổi về mặt học thuật, chuyên môn với Ban chủ nhiệm CLB trong suốt 10 năm qua chính là những đóng góp quý báu, đầy tâm huyết của các nhà giáo, nhà nghiên cứu trong cả nước quan tâm đến haiku. Nhân đây, chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn về những đóng góp của các nhà nghiên cứu trong suốt thời gian qua: PGS.TS Nguyễn Thị Mai Liên (Đại học Sư Phạm Hà Nội); Dịch giả Lê Thị Bình (Hà Nội); TS Đinh Trần Phương (Trường THPT Hà Nội Amsterdam); ThS Nguyễn Bích Nhã Trúc (Đại học Sư Phạm TP.HCM); ThS Nguyễn Thị Lam Anh (ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn Tp.HCM); ThS Lê Từ Hiển, ThS Nguyễn Thị Nguyệt Trinh (Đại học Quy Nhơn); TS Lâm Vinh (Đại học Văn Hiến); TS Nguyễn Vũ Quỳnh Như (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Tp.HCM); TS Hoàng Xuân Vinh (ĐH Huế); ThS Trần Huỳnh Nhị ( trường THPT Chuyên Nguyễn Thông – Vĩnh Long); ThS Nguyễn Diệu Minh Chân Như (ĐH Đồng Tháp); ThS Đinh Xuân Hảo (ĐH Sài Gòn). Tất cả các bài nghiên cứu thực sự là những viên gạch góp phần xây dựng nên diện mạo haiku Việt của ngày nay.

CLB tham dự Lễ trao tặng kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” năm 2014
CLB tham dự Lễ trao tặng kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” năm 2014

Vì những hoạt động sôi nổi và những đóng góp trong việc phát triển thơ haiku – một nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản tại Việt Nam, CLB haiku Việt TP.HCM đã chính thức trở thành thành viên thường trực của Hội hữu nghị Việt – Nhật TP.HCM và được trao tặng những giải thưởng đáng quý.

Tọa đàm “Thơ Haiku trong nhà trường” năm 2016
Tọa đàm “Thơ Haiku trong nhà trường” năm 2016

Chặng thứ ba: Hội nhập & Phát triển

Nối tiếp đà phát triển của giai đoạn hai, từ năm 2014 đến nay CLB tiếp tục đi vào chiều sâu chuyên môn và đã gặt hái được một số thành tựu: tổ chức 3 buổi Tọa đàm khoa học: “Tiếp nhận thơ Haiku ở Việt Nam” (2014), “Bình Thơ Haiku” (2015), “Thơ Haiku trong nhà trường”(2016). Nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà thơ và những người quan tâm đã đến tham dự, trình bày các báo cáo khoa học, đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Ba tập kỷ yếu đã ra mắt kịp thời, được nhiều người yêu thích và đánh giá có chất lượng chuyên môn. Qua những cuộc tọa đàm, kết quả chứng tỏ chúng ta đã tiếp nhận thơ haiku Nhật một cách nghiêm túc và thực sự sáng tạo: biết kế thừa một số tinh hoa về mặt hình thức lẫn nội dung của thơ Haiku Nhật. Trên cơ sở đó, linh hoạt xây dựng hình thức và nội dung thơ haiku cho phù hợp với đặc điểm tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt của chúng ta.

Về phương diện sáng tác thơ haiku, sự kiện một số thành viên của CLB đã có thơ đăng trong Tạp chí Haiku Thế giới (World Haiku) trong những năm liên tiếp: 2014, 2015, 2016 và 2017 đã cho thấy một bước phát triển mới trong hành trình Hội nhập của Haiku Việt. Haiku Việt đã thực sự hòa vào dòng chảy của haiku trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu lục nói chung.

Kỷ niệm 7 năm thành lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM - Tọa đàm “Vấn đề tiếp nhận thơ haiku ở Việt Nam” năm 2014
Kỷ niệm 7 năm thành lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM – Tọa đàm “Vấn đề tiếp nhận thơ haiku ở Việt Nam” năm 2014

Có thể nói, chính những trăn trở mong tìm ra chỗ đứng của haiku Việt trong dòng chảy văn hóa Việt – Nhật đã mang đến cho CLB một số thành tựu mới như trên. Chúng ta tự hào và cám ơn những năm tháng đã qua, những tháng năm tuy gian khó nhưng nuôi dưỡng ý chí và ước mơ, lòng say mê và tinh thần kiên định vì nghệ thuật và cái Đẹp trong cuộc sống của các thành viên trong CLB. Nhờ đó mà chúng ta vượt qua được bao khó khăn trở ngại, xóa bỏ bất đồng, thương yêu, đoàn kết để làm điều ý nghĩa. Một bài thơ haiku đúng như tinh thần của nó – làm ra không chỉ riêng cho ta, không phải để ta cầu lợi, cầu danh mà để thưởng thức cái đẹp, tu dưỡng tinh thần, rèn luyện đạo đức và ý chí. Mỗi thành viên, vì vậy đã học được nhiều bài học quý giá cho riêng bản thân mình.

Haiku Việt, trong 10 năm qua đã thực sự trở thành một hiện tượng văn hóa, nghệ thuật, hòa vào dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Kỷ niệm 10 năm thành lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM (2007 -2017)
Kỷ niệm 10 năm thành lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM (2007 -2017)

Ước mơ cao đẹp của chúng ta muốn đem loại thơ nhỏ nhắn, xinh xắn này đến với nhiều người Việt yêu thích haiku và gieo trồng nó trong vườn thơ ca dân tộc, nhằm làm giàu có và phong phú hơn cho văn hóa Việt Nam. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Làn hương của những bông hoa trong vươn thơ haiku Việt thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa khắp nơi. Đội ngũ làm thơ haiku Việt ngày càng đông đảo. Nhiều nơi đã hình thành từng nhóm, từng Câu lạc bộ haiku, đến nay đã có các CLB Haiku ở: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, đã minh chứng cho sức lan tỏa và ảnh hưởng của CLB Haiku Việt TP.HCM mà Thầy Lưu Đức Trung đã khơi dòng. Đặc biệt CLB Haiku Việt Hà Nội, do bác sĩ Đinh Nhật Hạnh và dịch giả Lê Thị Bình khởi xướng đã được thành lập từ năm 2009 đến nay luôn là người bạn đồng hành thân thiết với chúng ta.

Thơ haiku Việt ngày nay đã không còn xa lạ đối với người Việt, được đăng nhiều trên các tạp chí văn học nghệ thuật và mục văn hóa nghệ thuật trên các báo ra hàng tuần. Nhiều tập thơ Haiku cũng được xuất bản thường xuyên hơn trước. Về phương diện này, CLB chúng ta lấy làm tự hào trong vòng mười năm lại đây, CLB đã đóng góp một số lượng thơ ca và tác phẩm thơ khá lớn trong cả nước. Bên cạnh đó, chúng ta không quên đúc kết kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng sáng tác, hoàn thiện thi pháp thơ haiku Việt. Mười năm qua, với tiêu chí đã xác định, các thành viên trong CLB và những người yêu thích đã sáng tác thành thục những bài thơ Haiku Việt ngắn gọn từ 5 đến 12,13 từ với vần điệu nhẹ nhàng, hấp dẫn, giàu hình ảnh, nội dung cô đọng, gợi mở nhiều ý nghĩa bằng tiếng Việt. Tuy vậy chúng ta vẫn luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng trong sáng tác, cố gắng tránh hình thức nhầm sang loại thơ ba câu hay thơ tự do khác đang có ở Việt Nam.

Những thành tựu mà chúng ta gặt hái được trên đây là do lòng nhiệt tình và công sức của toàn thể thành viên CLB. Nhưng đặc biệt là do vị Thuyền trưởng kiên cường và nhân ái – Ông già Haiku Lưu Đức Trung. Chủ trương Nhân Hòa của thầy đã chinh phục được mọi người. Nhờ đó, những thành tựu của CLB mới đơm hoa kết trái.

Trong thời gian tới, CLB sẽ đi vào những hoạt động chiều sâu, mang tính chuyên môn để nâng cao chất lượng hoạt động của CLB. Chúng ta sẽ mời một số chuyên gia văn học và văn hóa Nhật Bản – Việt Nam đến để trao đổi, nói chuyện chuyên đề về thơ Haiku và Văn hóa Nhật trong dòng chảy Giao lưu văn hóa Việt – Nhật. Phạm vi sinh hoạt của CLB sẽ được mở sang các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và giáo dục, những vấn đề có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến thơ haiku và văn học Nhật Bản, Việt Nam. Bên cạnh đó, CLB sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giao lưu trong Nhà trường (THCS, THPT Công lập và Quốc tế) để có thể đưa thơ haiku đến gần hơn với học sinh và giáo viên.

Thơ ca là tiếng nói của trái tim, là tấm gương phản chiếu tâm hồn, là chiếc cầu hữu nghị giữa các dân tộc. Thấm nhuần điều đó, CLB coi trọng việc phổ biến thơ haiku đến với mọi người. Trong thập niên qua nhiều cuộc triển lãm sách báo thơ ca, tranh ảnh Haiku với thư pháp, giao lưu với CLB Trà đạo, Hoa đạo, Kiếm đạo, để củng cố và phát triển tình hữu nghị Việt Nhật. Hoạt động này được Tổng Lãnh Sự quán Nhật, Liên Hiệp các hội hữu nghị, Hội Hữu Nghị Việt – Nhật thành phố HCM hoan nghênh.

CLB Haiku Việt TP.HCM đang bước sang tuổi 11. Mặc dù PGS. Lưu Đức Trung – vị chủ nhiệm yêu kính của chúng ta đã ra đi, nhưng di sản mà Thầy để lại cho chúng ta là CLB Haiku Việt TP.HCM, thật đáng tự hào. Và chúng ta học được những bài học cuộc đời vô giá về tinh thần đoàn kết, sự khiêm cung, tinh thần hòa ái, hữu nghị, gắn kết thương yêu. Chúng ta nguyện tiếp tục con đường mà Thầy đã chọn.

Một mùa Xuân tươi thắm đang đón chào các Haijin sáng tạo, hội nhập và giàu bản sắc. Trên cánh đồng Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản, hy vọng chúng ta sẽ gặt hái được nhiều hoa tươi trái ngọt dâng Đời.

Xuân Mậu Tuất đã đến trong niềm vui và sức sống mới, hy vọng chúng ta sẽ lại có thêm một năm gặt hái nhiều thành công mới.

THÀNH VIÊN CÂU LẠC BỘ

Chủ nhiệm danh dự CLB Thơ Haiku Việt TP. Hồ Chí Minh

(5/5/1933 – 3/5/2017)

Phó giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Lưu Đức Trung sinh ngày 5/5/1933 tại Quảng Bình.
Từ năm 1966 đến 2007: Công tác tại Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm Hà Nội I.
Ông là chuyên gia về Văn học Ấn Độ và văn học Nhật Bản.

Ngày 24 tháng 6 năm 2007: Tại quán cà phê Viễn Xưa, số 1 Nguyễn Duy, quận Bình Thạnh, TP.HCM, PGS. Lưu Đức Trung cùng với một số học trò và bạn bè thân thiết thành lập CLB Thơ Haiku Việt TP.HCM. Đây là CLB Thơ Haiku Việt đầu tiên trong cả nước được thành lập vào thời điểm bấy giờ.

Năm 2008, CLB Thơ Haiku Việt trở thành thành viên chính thức của Hội Hữu nghị Việt – Nhật TP. Hồ Chí Minh và được công nhận chính thức là một Chi hội của Hội Hữu nghị Việt – Nhật.

Là một nhà giáo, nhà nghiên cứu, một trong số ít các chuyên gia hàng đầu về văn học Châu Á tại Việt Nam, PGS. Lưu Đức Trung đã có những công trình nghiên cứu, khảo cứu giá trị, có đóng góp cho việc xây dựng bộ môn Văn học Ấn Độ, văn học Nhật Bản ở Việt Nam. Đặc biệt, sau khi nghỉ hưu và chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống năm, bằng tâm huyết và tình yêu đối với thể thơ Haiku nói riêng, văn học Nhật Bản nói chung, ông đã thành lập CLB Haiku Việt TP.HCM và làm chủ nhiệm CLB Haiku Việt TP.HCM trong khoảng thời gian từ 2007 – 2017. 

Với chủ trương “nhân hòa” và mong muốn đưa thơ haiku – thể thơ quốc tế độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật của văn học Nhật Bản vào Việt Nam, nhằm làm phong phú thêm cho đời sống văn học và tinh thần người Việt, trong suốt một thập kỷ, ông đã tích cực phổ biến và phát triển phong trào sáng tác, nghiên cứu và bình thơ haiku ở Việt Nam, góp phần xây dựng chiếc cầu nối hữu nghị, giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Daisy Nguyen
Cung Thoại Chi
Một Nửa Tâm Hồn
Trà Thơ

BÀI VIẾT NỔI BẬT

CLB Thơ Haiku Việt TP. HCM
21 Tháng Một, 2023
CLB Thơ Haiku Việt TP. HCM
2 Tháng Ba, 2022
Năm 2021, biến động của đại dịch Covid 19 đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến tinh thần và đời sống co...
CLB Thơ Haiku Việt TP. HCM
2 Tháng Ba, 2022
https://drive.google.com/file/d/1dxUfbfzOt5HWfQOm3aV_6A9poBaBlZEm/view?usp=sharing
CLB Thơ Haiku Việt TP. HCM
1 Tháng Hai, 2022