Quynh Oi

Chiều hé nở
tối rạng rỡ
sáng rã rời – Quỳnh ơi!

Thu năm 1995, một người bạn tên Quỳnh tặng tôi một lá quỳnh và hướng dẫn tôi cắm vào chậu đất đặt ở góc ban-công nhà ở. Hơn một năm sau, cây quỳnh lớn và ra hoa. Tôi thường chăm sóc và quan sát quá trình hoa quỳnh nở và tàn. (Lưu Đức Trung)

Ba từ mở đầu ba dòng thơ: sáng – chiều – tối… mới thọat đọc qua, ngỡ như nó đóng vai trò chủ ngữ – kéo theo vị ngữ mang tính chất thông báo biến thiên thời tính, dễ gây cho độc giả ấn tượng cả dòng chảy thời gian vô thường. Như vậy, bài thơ không có đặc chất haiku, như ý của Kenkichi Yamamoto: “Trong quá trình rút gọn số âm tiết từ 31 xuống 17 một xung động mạnh mẽ đã bùng ra bãi bỏ thời gian. Điều này nghĩa là haiku không đi theo nguyên tắc thời tín, nó không lấy thời tính như một phương thức tồn tại… phương pháp riêng của haiku nằm chính ở sự vắng thiếu điều kiện tồn tại của thơ”.

Ngoài ba từ thời điểm chiều – tối – sáng đóng vai trò trạng ngữ thời gian, người đọc cũng dễ ngầm hiểu chủ ngữ ẩn là chủ thể trữ tình – cái tôi tác giả… gắn liền trạng thái ở những động từ, tính từ: hé nở, rạng rỡ, rã rời… và kết thúc bằng từ “ơi” cảm thán cuối bài. Như vậy, bài thơ càng không đúng với tính chất haiku – cái tôi trống vắng, tan biến. “Haiku, thể thơ không dựa trên sự than vãn hay nỗi buồn, tất yếu thích thể từ hay tính từ”

(Yamamoto).

Thế nhưng… nhắm mắt… mà đọc, rồi mở ra… thấy mình là một đóa quỳnh. Bài thơ nhỏ nhắn mong manh giàu tính dồn nén này nổi bật đặc điểm mà Yamamoto giải thích: “hủy bỏ thời tính bằng một hình thức thiết yếu gồm chuỗi 17 âm thanh (ở đây là 11 âm tiết) và gọi ra tất cả các từ cùng lúc”.

Quả vậy, nếu xếp theo trật tự thời gian sáng – chiều – tối thì dễ gây được ấn tượng vòng chảy tuần hoàn khép kín, đời người như một ngày – đời – cần lao… đầy cảm tính nhọc nhằn trong lo toan với những vui buồn, được mất. Như vậy, theo nguyên lý thời tính – thì sáng phải bình minh hé nở, chiều phải hoàng hôn gom nắng rạng rỡ, trước khi đêm tối ập xuống rã rời. Những từ ngữ trong cấu trúc thơ ở đây dường như ngược lại, buộc độc giả phải điều chỉnh tư duy cảm tính. Rõ ràng nó đã có một cái gì rất bình thường trong hệ thống thời gian mà cũng rất bất bình thường trong nguyên lý thời tính. Đến câu cuối, sau dấu “-” cho phép độc giả hiểu, chiều – tối – sáng không còn là chủ ngữ, mà chủ ngữ ẩn là đóa quỳnh giản dị – kiêu sa.

Nó vừa rất thực, đúng như đối tượng là hoa quỳnh ở trong tự nhiên vốn rất mỏng manh, chiều ngẩng đầu hé nụ, đêm bung xòe rạng rỡ run rẩy ngát hương và chưa kịp sang đã khép lại, rã rời. Đó là tính tự nhiên – tự nó, đúng như tinh thần haiku. “Khi nổi lên chống lại nguyên lý thời gian, từ chối dạng thức của mình, nó nén thời gian vào trong sự cảm nhận thực thể” (Yamamoto).

Nói như bậc thầy haiku hiện đại Kyoshi Takamaha, đó là đối tượng tự nhiên theo nguyên tắc tả sinh. Nhưng nó không phụ thuộc một cách sáo mòn vào tình cảm truyền thống đối với tự nhiên của phương Đông dễ rơi vào những tu từ cảm tính ước lệ tượng trưng. Nó vẫn mang cảm thức phương Đông mà chung cho thế giới hiện đại. Cái Đẹp thoáng hiện – lưu đày – táo bạo.

Những từ chỉ thời gian hiện hữu mà dường như biến mất. Những từ ngữ của bài thơ không tuần tự theo thời tính mang cảm thức than vãn nỗi buồn, mà chúng cùng đồng hiện khoảnh khắc nhất thể ở một đóa quỳnh – ẩn mình – hiện ra – biến mình. Như vậy, “Haiku không muốn mở ra trong dòng chảy (thời gian) này nữa mà nó làm việc thông qua sự tẩy xóa mình cho đến khi biến mất hoàn toàn” (Hiroshi Yoshida).

Nó biến mất thông qua sự tẩy xóa mình rất tự nhiên, nếu độc giả cứ ngỡ những cảm tính chủ quan theo thời tính – con người thay đổi theo thời gian. Nhưng đối tượng của bài thơ không phải vậy – mà là đóa quỳnh trắng tinh thơm thoảng hương. Ấy là tinh thần Fujio Akimoto “hiểu được rõ ràng sự cần thiết phải nắm bắt chủ đề một cách khách quan, không pha trộn tình cảm vào”, và trong tiểu luận Haiku và sự vật, ông lại khẳng định rằng thơ haiku sinh ra không phải để mô tả cái đang trôi qua, mà là để nói nỗi bận tâm về sự vật.

Thậm chí, cuối bài nó lộ ra ở một phách nhịp tán thán – Quỳnh ơi! Nó dễ gây cho độc giả tư tưởng chủ ngữ ẩn ở trong ba dòng là chủ thể trữ tình – cái tôi tác giả. Tôi hé nở, tôi rạng rỡ, tôi rã rời… Tôi thảng thốt gọi tên, tiếc nuối, bấu víu, tìm điểm tựa… Nói cho chính xác là sự đồng nhất – nhất thể hóa trong tương giao trong duy nhất một đóa Quỳnh – tôi. Có thể giấu kín khách quan hơn là quỳnh hương, quỳnh hoa, đóa quỳnh… “Quỳnh ơi” chỉ là một cảm thán hoa run khép lệ – máu ứa từ tim mà tự gọi mình, chứ không tách bạch chủ – khách, tự ngã – tha nhân.

Lê Từ Hiển