Trên đó có giao thừa không Mẹ?
nhang tàn, nến tắt
cánh bướm chập chờn bay.
(Đào Bá Sơn)

Điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời là trái tim người mẹ, là suối nguồn không bao giờ cạn của thi ca. Sau khi chùm thơ Đào Bá Sơn được đăng trên nội san thơ Haiku Xuân 2016, tôi có gặp tác giả và được biết anh viết khá nhiều về mẹ. Ở đây, trong bài này, tôi muốn nói về “GIAO THỪA”…

Bài thơ giàu hình ảnh gợi cho ta thấy một người đàn ông lớn tuổi, cô đơn, lặng im trong hương khói và trong thời khắc thiêng liêng của trời đất, của giao thừa… Ngước mặt lên, trời đêm sâu thăm thẳm… Mắt rưng rưng rồi bỗng thì thầm hỏi: “Trên ấy, có giao thừa không mẹ?”… Câu hỏi được bật ra một cách tự nhiên, chân thành như lời của một người con hỏi người mẹ còn đang sống. Đó chính là nỗi nhớ thương ẩn bên trong, là một thoáng tủi thân, cả một thoáng giận hờn: “Sao mẹ không về đây cúng giao thừa với con?…”. Câu hỏi ấy như niềm tin rằng mẹ đang ở “trên ấy” hoặc một thế giới nào đấy đang hiện hữu.

Tác giả mất mẹ vào lúc 49 tuổi. 49 năm trước là 49 lần giao thừa luôn ở bên cạnh mẹ, từ thưở ấu thơ cho đến lúc bạc đầu. Đến giao thừa này thì mẹ không còn nữa!…

Bài thơ được bắt đầu bằng câu hỏi nhưng… chỉ có những nén nhang đã tàn, những ngọn nến đã cháy cạn… Bỗng, trên bàn thờ xuất hiện

chú bướm chập chờn bay… Một hiện tượng luôn có thật trong đời sống tâm linh từ xưa đến nay của người Việt.

Bài thơ đến đây đã không còn bình thường nữa. Câu hỏi đặt ra dường như đã có lời hồi đáp sau “nhang tàn, nến tắt” chính là “cánh bướm chập chờn bay”…

Người Việt vốn tin vào thế giới tâm linh, và hình ảnh cánh bướm chập chờn được xem là dấu hiệu hiện hữu của linh hồn người đã khuất! Mẹ trở về trong hương khói, đầy lưu luyến nhớ thương con! Điều này khiến cho ta hình dung mẹ của tác giả đã “nghe” được khát vọng của con mình từ cõi thinh không, từ chính trái tim tha thiết nhớ thương mẹ… và bà đã hóa thân thành chú bướm đêm: Mẹ đã về! Trong khoảnh khắc ấy, chắc người đàn ông 50 tuổi này cảm động và hạnh phúc lắm. Đó chính là sự thiêng liêng, là nuối tiếc, là mừng tủi… Mẹ đã về!

Văn hóa Việt từ ngàn xưa đã gắn bó với thế giới tâm linh. Người chết là trở về thế giới bên kia nhưng lại luôn luôn hiện hữu ở đâu đó trong chính thế giới này, hiện diện trong tâm hồn mỗi chúng ta… Cánh bướm đêm kia với tác giả là sự giao cảm giữa hai thế giới, giữa hai tâm hồn “Mẹ – Con” thân thương. Đó cũng chính là sự linh nghiệm của niềm tin trong khoảnh khắc giao thừa.

Bài thơ 16 chữ đậm chất tâm linh và tình yêu của người con đối với mẹ. Ngắn gọn mà tinh tế, giản dị mà sâu sắc, hàm chứa thông điệp: Hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Câu hỏi này sẽ luôn tồn tại trong tấm lòng của những người con đã mất mẹ!

Đinh Xuân Hảo