Duoi Mai Hien

Dưới mái hiên
mỗi ngày luồn cúi
tán hoa bìm bìm.
(Nhật Chiêu)

Như mắt cười độ lượng hàng bao lần vẫn thế, vừa nâng niu, vừa cợt đùa, Nhật Chiêu sống với hoa, chơi với hoa. Cùng là trò chơi của cái đẹp và sự vô thường: “Dưới mái hiên / mỗi ngày luồn cúi / tán hoa bìm bìm”.

Qua làn hương của ngôn từ, qua sự nhạy cảm của một nghệ sĩ hay là sự thơ dại của tâm hồn trẻ thơ, “mái hiên” “nở” thành “mái hoa” mỏng manh, dịu dàng: “tán hoa bìm bìm”! Sương mai trang ánh lên nét hồng tím trong trẻo mà ma mị. Ma mị như chính sự uyên áo của nhà thơ. Hồn nhiên mà trầm ngâm. Giản dị mà sâu sắc.

Người xưa cả đời chỉ cúi đầu trước hoa mai. Nhật Chiêu không vậy, ông còn mượn hoa để “giải ngữ”, trả về cho chữ “nguyên ngôn” của mình. “Luồn cúi” trong mắt hoa của Chiêu, trở nên tinh tế và đáng yêu như chính con người tác giả. Cái xác chữ “luồn cúi” đã chết dưới bao hư danh, nay được tái sinh trong cái đẹp! Dưới hoa!

Vô thường tôi “luồn cúi” dưới “vô thường hoa” tạo thành tam giác sáng tạo – tam giác trò chơi – tam giác của sự phơi mở và ẩn giấu. Tam giác ấy phơi mở một chỉnh thể đẹp vô ngần của vũ trụ, của đất trời. Là phập phồng sự sống, là hài hòa hoa – người. Mà đồng thời, cũng ẩn mật trong cơ thể ấy những bí ẩn khôn cùng của cuộc vô thường.

Nhật Chiêu, mắt cười ấy mở ra tinh anh mà cũng cất giấu bao niềm đau khôn cùng. Niềm đau suốt kiếp của ngôn từ, của cô đơn, và sáng tạo.

Diệu Thảo