Dưới bánh xe tăng
những bông hoa dại
nở trắng ban mai.
(Lưu Đức Trung)

Từ xa xưa, thơ ca tồn tại như một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Trong đời sống hàng ngày cũng như trong chốn trường thi, thơ vốn được tôn vinh! Ngày nay, xã hội càng nhộn nhịp, căng thẳng, hiện đại, những tiếng ngân vang của thơ ca càng cần thiết để giúp con người sống hài hoà, cân bằng tâm trí.

Càng khốc liệt, càng bi thương, càng cần đến những cung bậc bổng trầm, du dương, réo rắt để có sự quân bình. Đằng sau một bức tranh đầy kẽm gai thường là những nụ hoa lau.

Trong bài thơ Haiku này, ta cũng thấy có sự cân đối, bổ sung của mạnh mẽ và yếu đuối, ồn ào và lặng lẽ, khốc liệt và êm ái:

“Dưới bánh xe tăng
những bông hoa dại
nở trắng ban mai”.

Xe tăng trong thời chiến là khí tài, là phương tiện, là công cụ chiến đấu. Trong thời bình là chứng tích của cuộc chiến tranh. Hình ảnh “xe tăng” gợi lại sự cày xới, đè nén, đàn áp, phá hủy.

Duoi Banh Xe Tang

Nhưng dưới bánh xe tăng là “những bông hoa dại / nở trắng ban mai”.

Những bông hoa dại, hình ảnh mềm mại, nhẹ nhàng, yếu đuối. Bông hoa dại thường nhiều chủng loại và đa màu sắc. “Hoa dại nở trắng ban mai”. “Trắng” ở đây có thể là màu trắng hoặc có thể hiểu đó không phải là màu trắng đơn sắc mà “nở trắng” chính là nở dày đặc, phong phú, nhiều vô số kể. Những bông hoa dại không ngán ngại bánh xe tăng! Những bông hoa dại tuy yếu đuối, mảnh mai, nhẹ nhàng nhưng vươn lên mạnh mẽ, đầy sức sống trong ánh ban mai! Hình ảnh dịu dàng nhưng rực rỡ, đầy tính lạc quan!

Hoa dại còn được hiểu là nhân dân, là số đông những con người tuy không phẩm hàm, chức vị nhưng đầy tinh thần trỗi dậy, vươn lên! Sức sống của một vùng đất từng trải qua cuộc chiến tranh, của những con người nhỏ bé nhưng mãnh liệt không ngờ! Đằng sau cuộc chiến là sự hồi sinh!

“xe tăng” – “bông hoa” cũng là hình ảnh vừa đối lập vừa bổ sung trong triết lý âm – dương, trong bức tranh đầy thi vị.

Đêm thơ trong khuôn viên Bảo tàng chứng tích chiến tranh cũng là một hình ảnh đối lập, bổ sung đẹp đẽ. Đấy chính là tiếng nói của tình yêu và khát vọng hoà bình vĩnh cửu như ý vị bài Haiku trên!

Tiếng thơ đồng vọng
xoá nhoà
chứng tích chiến tranh.

Đinh Xuân Hảo