Dung Hoi Ten Toi

Đừng hỏi tên tôi
đập vào vách đá
giọt mưa vỡ rồi.
(Thùy Nhung)

Tôi không biết khi viết những dòng này, tác giả có đang nghe những câu hát trong nhạc phẩm “Thà như giọt mưa” của Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Nguyễn Tất Nhiên hay không: “Thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá. Thà như giọt mưa khô trên tượng đá. Thà như mưa gió đến ôm tượng đá. Có còn hơn không, có còn hơn không”. Cả hai đều làm giọt mưa, mượn hình hài mưa để cư ngụ tâm hồn. Nhưng lại có sự khác biệt trong cách nói của hai tác giả. Trong bản nhạc, Phạm Duy muốn làm giọt mưa như chốn nương náu cuối cùng sau một cuộc tình tan vỡ (chữ “thà” nói lên sự lựa chọn ngậm ngùi) để “có còn hơn không” giữa cuộc đời nghiệt ngã. Nghĩa là giữa cái không và cái có, ông đã chọn lựa điều thứ hai, dù biết đã không còn hạnh phúc trong cõi người. Còn Thùy Nhung, tác giả bài thơ haiku lại không tìm đến sự cứu cánh nào cho thân phận – kể cả dù là giọt mưa bé nhỏ, mong manh kia. Bởi người thơ dường như đã hiểu lẽ vô thường – tất cả là hư ảo như giọt mưa kia – vỡ tan trên vách đá ngay giữa thời khắc hiện sinh ngắn ngủi. Vì vậy mà tiếng nói thiết tha không giấu chút ngậm ngùi vang lên: “Đừng hỏi tên tôi”… Tên tôi, tên anh… có quan trọng gì nữa đâu khi tất cả sẽ chỉ còn là cát bụi. Tuy vậy, tôi lại cảm thấy trong cái ngậm ngùi, trĩu nặng nỗi buồn nhân thế ấy lại có gì đó rất mạnh mẽ, dứt khoát. Phải chăng đó là sự dứt khoát, mạnh mẽ khi đã thức tỉnh về lẽ vô thường trong cõi nhân sinh?

Nhã Trúc