Trên lá môn non
giọt sương đọng
vầng trăng tí hon.
(Trần Đức Việt – Giải nhất cuộc thi Thơ Haiku Việt – Nhật lần 4)

Trong một bài bình, nhà văn Nhật Chiêu viết: “Thu mình nhỏ lại, đi vào haiku”. Có lẽ đúng như vậy, đó là tinh thần đi vào haiku tự nhiên và chân thực. Bài thơ này là một dẫn chứng, nhưng kỳ lạ hơn đây là cái “thu mình” của một “con kiến”. Vì sao ư? Xin hãy đọc: “Trên lá môn non / giọt sương đọng / vầng trăng tí hon”.

Cảnh và tình đã rất nhỏ rồi, mà còn là tí hon nữa thì phải ở một tâm thế đặc biệt của tinh thần mới có thể chạm được vào cái “tí hon” ấy. Chỉ có thể là cái thu mình thành con kiến bé nhỏ mới thấy hết cái kỳ vỹ của giọt sương, cái thênh thang của lá môn non. Diệu kỳ quá! Mọi thứ đều nhỏ bé, non tơ, mới bắt đầu. Ấy chính là cội nguồn khởi phát của vạn vật, cảm xúc: sự trinh nguyên ngây thơ.

Thật khó lòng mà biết giọt sương là trăng hay trăng là giọt sương. Nhìn từ điểm nhìn của sự vật, vầng trăng đọng lại thành giọt sương trên lá môn. Vũ trụ kết hạt rơi xuống đọng trên sự đời. Hình ảnh làm ta nhớ đến cái “giọt long lanh rơi” của Thanh Hải. Hay đơn giản, đó chỉ là sự phản chiếu ánh sáng của giọt sương khiến nó lấp lánh như một vầng trăng. Và trăng kia là một vầng trăng nguyên vẹn hay chỉ là một mảnh trăng “ham chơi” đi lạc vào giọt sương?

Nhưng sẽ là độc đáo hơn nếu xét từ điểm nhìn là đôi mắt của nhà thơ. Đôi mắt ấy là cả một cõi vũ trụ và giọt sương và vầng trăng của cõi ấy. Một vầng trăng thực thụ trong cõi vĩnh hằng: giọt sương – đôi mắt. Sự tung hoành của cảm xúc đã đầy cái nhân tính chủ quan của ngôn ngữ lên địa vị độc tôn. Nó lột khỏi đôi mắt trần ai của con người lớp bụi phù phiếm, hư ảnh. Vầng trăng – giọt sương lóe lên cái gì đó mềm mại, trọn vẹn, vĩnh hằng giữa cuộc dạo chơi của cuộc đời cứng nhắc, tạm bợ này.

Đặc biệt hơn, tôi đã kinh ngạc khi phát hiện ra triết lý Thiền Hư trong giọt sương ấy. Không biết là sự trùng hợp hay do cố ý của tác giả mà tôi lại thấy phảng phất cái ý Thiền độc đáo và hiếm có này: Sự tĩnh mặc của Đời và Thiền. Trong bài thơ, giọt sương phản chiếu ánh trăng, là trăng đọng lại, là trăng thực. Vũ trụ, suy cho cùng là một giọt tròn, vầng trăng cũng tròn, giọt sương bé xíu cũng tròn. Không lớn, không nhỏ, không phân biệt cao cả hay thấp hèn. Vạn vật nhập vào nhau hài hòa, thơ ngây, kỳ diệu… ấy là Thiền. Vậy còn Đời? Phải chăng chính là cái trần tục, cái phàm ngã hàng ngày là nền tảng cho sự đốn ngộ? Đi qua muộn phiền – khi chỉ còn lại sự trống rỗng, lắng đọng – con người càng nhận rõ mình, càng thanh thản, càng thấy mình là một ánh trăng, gần gũi với vũ trụ hơn.

Thật tuyệt diệu! Gương lồng gương, lòng hòa lòng đã mở ra sau lưng bài thơ nhiều điều chí lí, ngộ nghĩnh. Phải tinh tế lắm mới có thể nhìn thấy cả một vũ trụ trong một giọt sương. Và phải và chỉ có thể là cái nhìn “nghiêng tuổi nhỏ” mới có thể để ý đến cái non, cái tí hon của vạn vật như thế, mới có thể nhận ra cái “ánh giác tha” ấy. Ba thái cực BẮT ĐẦU – PHÙ DU – VĨNH CỬU hòa vào nhau. Nhiệm màu…

Lê Hoàng Anh