1. Đặt vấn đề

Basho là một haijin (người sáng tác haiku) nổi tiếng của Nhật Bản. Ông là người có công đưa haiku lên địa vị lừng lẫy trên thi đàn thế giới. Thi tập quan trọng góp phần định hình phong cách Tiêu phong (Tofu) cũng như giúp Basho trở thành một trong tứ trụ haiku Nhật Bản (Basho – Buson – Issa – Shiki) chính là Lối lên miền Oku (Oku no hoshomichi). Đây là một tác phẩm thuộc thể kí có lời kể, có chi tiết, sự kiện, có phác họa chân dung… nghĩa là có chất tự sự. Tuy nhiên, nó cũng thật sự là một tác phẩm trữ tình, với văn xuôi haibun kết hợp cùng thơ haiku, với những bức tranh tràn ngập hình ảnh thiên nhiên mà qua đó, cái tôi trữ tình của tác giả được bộc lộ vừa chân thành mộc mạc, vừa kín đáo tinh tế.

Hình ảnh thiên nhiên trong Oku no hoshomichi rất đa dạng, phong phú: từ hình ảnh mùa xuân đến mùa đông; từ không gian biển khơi đến rừng sâu, trời thẳm; từ cái nhỏ bé tầm thường như chấy bọ, vỏ hến, xác hoa đến cái lớn rộng vĩ đại như sông Mogami hay dải Ngân Hà… Hình ảnh trong Oku no hoshomichi không chỉ thể hiện vẻ cô liêu, quạnh hiu, u buồn mà còn thể hiện vẻ thanh tú, tao nhã, tươi đẹp, đam mê. Có lẽ vì vậy mà Basho được mệnh danh là “thi sĩ của cái ao xưa, của biển Sado hoang sơ hay của đồng cỏ dại”. Đây là những hình ảnh biểu tượng cho một vẻ đẹp lí tưởng mà mĩ học Nhật Bản gọi là sabi 寂び.

Về từ vựng, sabi 寂び vốn được danh từ hóa từ động từ sabu có nghĩa là suy tàn, phai nhạt theo thời gian. Sabi cũng có nghĩa là trạng thái tĩnh lặng khi con người qua đời cũng có nghĩa là lớp mốc xanh trên đồ đồng xưa. Fujiwara no Toshinari (1114-1204), Zeami (1363-1443), Zenchiku (1405-1468) thống nhất quan điểm cho rằng sabi là tịch lặng, hoang liêu, cô quạnh, tự nhiên (tịch). Zenchiku dùng từ sabu để miêu tả cảnh đám lau sậy ven biển lụi tàn vì sương gió. Sen no Rikyu – bậc thầy trà đạo XVI, thường ghép wabisabi để đề cao vẻ đẹp tự nhiên, đơn giản. Nhật Chiêu trong cuốn Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868 nhấn mạnh: “Sabi (tịch) là linh hồn của tịch liêu và xa xưa. Đó là niềm tịch tĩnh mà trong những kinh nghiệm thiền quán, người ta cảm thấy” [4,273]. Trong cuốn tản văn Ca tụng bóng tối, Junichiro Tanizaki đã nêu lên niềm yêu thích của người Nhật dành cho những đồ vật mang dấu vết của bụi bặm, bồ hóng và khí hậu, màu sắc và lớp bóng gợi nhắc đến quá khứ đã tạo ra chúng, một vẻ đẹp nhuốm màu thời gian. Đến Basho, ngoài những ý nghĩa trên, nhà thơ đã bổ sung thêm ý nghĩa tươi đẹp, tao nhã, ấn tượng (nhã) cho sabi. Hình ảnh thiên nhiên cô quạnh trong tập Lối lên miền Oku có sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần hòa tan bản ngã vào thiên nhiên của Thiền tông và tinh thần tìm linh hồn cái đẹp trong thảo mộc của Thần đạo. Cảm thức đó thể hiện đậm nét trong tập thơ đến độ được Nhật Chiêu khẳng định: “Mỗi bài haiku trong tác phẩm dường nhưđều thấm nhuần cảm thức sabi” [3,10]. 2. Nội dung nghiên cứu

Vẻ đẹp sabi ẩn hiện trong những hình ảnh thiên nhiên hiu quạnh, cô liêu và thiên nhiên thanh tú, trang nhã.

2.1. Hình ảnh thiên nhiên hiu quạnh, cô liêu

Chất cô quạnh sabi hài hòa man mác khắp các hình ảnh những ngọn núi, cánh đồng, những dòng sông, mặt biển… lộ rõ vẻ hoang sơ, cô liêu, quạnh hiu của tạo hóa sắp đặt cho miền Oku.

Ngày đầu tiên cất bước lên đường du hành, Basho nhìn đỉnh núi Fuji “mập mờ hiện ra trên bầu trời đầy sương mù, qua ánh trăng ban mai yếu ớt” mà lòng liên tưởng tới muôn nẻo Oku. Chính đỉnh núi Fuji ấy – vốn là hình ảnh lí tưởng trong cảm nhận Nhật Bản – đã báo hiệu cho những hình ảnh núi rừng Oku vẻ hiu quạnh, lạnh lẽo. Đỉnh núi Kurogami thì “hãy còn tuyết trắng chưa tan ẩn hiện trong sương mù”. Khu rừng Ki no shita thì “chắc hẳn sương mù phải xuống nhiều lắm nên thi nhân mới có câu: Hỡi anh samurai ơi! Nhớ đem theo dù cho Chúa nhé!”. Còn núi Gasan thì ngập trong “mây mù và khí núi lạnh lẽo”, băng tuyết phủ khắp làm lu mờ danh giới đất trời, khiến nhà thơ: “không biết phải chăng là mình sắp bước vào ải quan trên đường mây, nơi quỹ đạo của hai vầng nhật nguyệt gặp gỡ nhau?”. Vẻ cô quạnh của hình ảnh núi rừng như thấm vào da thịt bởi cảm giác lạnh lẽo: “Tôi cảm thấy khó thở và chân tay như cóng lại”. Hình ảnh thiên nhiên trong Oku no hoshomihi nằm trọn vẹn trong ba mùa xuân, hạ, thu mà cuộc hành trình sáng tác trải qua nhưng chính tuyết trắng và khí lạnh trong hình ảnh núi đã mang đến cho chúng ta cảm giác mùa đông. Tác phẩm thực sự như một bản sonat bốn mùa mà trong đó hình ảnh núi rừng mùa đông lạnh lẽo, cô quạnh khiến xúc cảm của ta đầy lắng đọng suy tưởng sabi, đầy trân trọng trước vẻ thâm nghiêm, huyền bí còn giữ được sự hoang sơ của núi rừng Oku.

Hình ảnh đầm lầy, ruộng nương hay đồng cỏ… tuy không được miêu tả tỉ mỉ như những ngọn núi nhưng cũng góp phần gợi ra ấn tượng lớn về chất sabi hoang sơ đến tịch liêu của núi rừng Oku nói chung. Basho gợi ra vẻ hoang dã của hình ảnh những cây cỏ tam điệp (hagi), cây mã túy (asebi) mọc tràn lan “khắp các cánh đồng”. Riêng trang viết về Kitagami và người anh hùng Yoshitsume, dù không trực tả, không con số thống kê, không một mảng màu sắc được đưa ra… nhưng lại hiện lên rõ nét một đồng cỏ hoang dại. Basho dùng lời kể, lời bày tỏ xúc cảm, lời thơ trích dẫn… để tạo ra những ấn tượng sabi của đồng cỏ mùa hè. Ông kể nhiều về những chiến công hào hùng của Yoshitsune: xây dựng lâu đài, thành quách, đập phòng thủ ngang sông Koromo… và chiến đấu anh dũng trên đồng cỏ bên sông. Nhưng giờ đây trước mắt Basho là những thành trì đổ nát và đồng cỏ hoang dại không bóng người. Vụt lên trong trí nhớ của Basho là câu thơ Xuân Vọng của Đỗ Phủ (712 – 770):

Quốc phá, sơn hà tại
Thành xuân, thảo mộc thâm

Nước mất, còn sông núi
Thành xuân, cảnh um tùm
(Tương Như dịch)

Basho cũng viết thơ về sự biến đổi tang thương ấy, nhưng không dùng một chữ “thâm” nào chỉ đích xác sự hoang dại, quạnh hiu. Từ những dòng haibun phía trên câu thơ haiku này mà hình ảnh cỏ mùa hạ trở nên câm lặng, hoang tàn so với những giấc mơ hào hùng của người tráng sĩ:

Cỏ mùa hạ ơi
hùng binh một thuở
dấu tàn giấc mơ thôi.

Không phải vô tình mà Basho viết bài thơ sau trước khi từ biệt cõi đời:

Nằm bệnh giữa cuộc lãng du
mộng hồn còn phiêu bạt
những cánh đồng hoang vu.
(Lê Giang dịch)

Đồng cỏ hoang dại là hình ảnh cô quạnh để lại dấu ấn không bao giờ phai trong Basho. Ngay cả khi ông nằm trên giường bệnh, hình ảnh ấy vẫn day dứt trở về trong những giấc mộng của ông.

Sự hoang sơ, cô quạnh có khi không hiện lên qua đường nét, màu sắc, hay tình tiết sự kiện nào mà qua một âm thanh:

Tịch liêu
thấm sâu vào đá tiếng ve.
(Nhật Chiêu dịch)

Bài thơ được Basho sáng tác khi ông đến thăm sơn tự Riusakuji. Trong không gian tịch lặng chỉ có tiếng kêu của dàn đồng ca ve vang vọng. Tiếng ve râm ran trong cảm nhận của người Nhật rào rào như tiếng mưa giông mùa hạ nên người Nhật mới có thành ngữ semishigure – ví tiếng ve như tiếng mưa rào. Từ liên tưởng kì diệu đó, Basho có cảm giác tiếng ve như nước len lỏi, thấm dần vào trong từng kẽ đá. Vạn vật giao hòa trong một quan hệ vô cùng bí ẩn và nhiệm màu. Tiếng ve khiến không gian như tịch mịch hơn. Thủ pháp lấy động tả tĩnh này ta rất hay gặp trong thơ Đường. Basho vốn cũng rất ngưỡng mộ Lý Bạch, Đỗ Phủ và xa hơn là cả Lão Tử, Trang Tử. Có lẽ những tư tưởng hướng tới cái đẹp tự nhiên, tương giao, hòa hợp đã hình thành trong Basho ngay từ những ngày tuổi trẻ say mê nghiên cứu thơ cổ và cả thư pháp Trung Quốc, Nhật Bản.

Sơn – thủy không tách rời nhau trong bức tranh thiên nhiên Oku dù chỉ nhìn riêng ở vẻ cô quạnh. Chương viết về Matsushima là một trong những chương hay nhất của tác phẩm, trong đó hình ảnh nước gắn liền với hình ảnh đảo như đặc trưng địa lí Nhật Bản. Một không gian sóng nước mênh mông “dài bảy dặm”, “sóng triều đánh vào rất lớn chẳng khác gì ở Chiết Giang”. “Có vô số đảo” lớn nhỏ được tạo hóa sắp đặt rất tự nhiên: “có đảo cao vút chỉ lên trời, có đảo phục xuống luồn dưới sông. Có đảo nằm chồng chất lên nhau hai ba tầng, rời nhau bên trái rồi nối nhau bên phải. Có đảo lớn cõng đảo bé hoặc bế đảo trên tay tựa như muốn nói lên tình yêu đối với con cháu”. Matsushima mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, sâu lắng, tịch mịch chỉ có nước với đá, có trăng với gió mây bạt ngàn. Basho ví: “Matsushima có nét đẹp sâu lắng tựa như khuôn mặt của một mĩ nhân”.

Còn ở Kisagata, núi “cao dựng trời, in bóng trên sông”, là nơi nổi tiếng với những cơn sóng cuộn và bài thơ Chèo thuyền trên hoa của Saigyo, được Basho đánh giá: “Ngoài nét tịch liêu còn có cái gì u hoài, khiến cho du khách cảm thấy xao xuyến”.

Như vậy cô quạnh, tịch liêu mà không là sự chết lặng, tẻ nhạt, buồn chán, cũng không là cõi vô (mu) của đạo Thiền tiêu diệt mọi dục vọng. Hình ảnh thiên nhiên cô quạnh trong văn thơ Basho lại gợi ra những xúc cảm xao xuyến u hoài nhẹ nhàng và mơ hồ. Đôi khi tạo niềm thành kính trước khung cảnh Oku thâm nghiêm và đầy sức mạnh tự nhiên.

Đến khung cảnh của bãi biển Iro thì vẻ quạnh hiu càng lộ rõ: “Trên bãi biển chỉ có dăm ba túp lều nhỏ của các ngư phủ và chùa Hokke quạnh hiu (…). Biển và trời vào lúc hoàng hôn buồn da diết”.

Buồn làm sao
hơn cả Suma quạnh hiu

mùa thu trên biển.

Theo lời đồn đại và theo tập truyện cổ Nhật Bản – Truyện kể Genji (Murasaki Shikibu) thì bãi Suma vô cùng hiu quạnh. Basho đã so sánh một hình ảnh biển Suma cụ thể ấy với một hình ảnh thu trừu tượng (mùa thu trên biển Iro) làm cho vẻ hiu quạnh càng thêm nổi bật, có gì đó giống như Nguyễn Du mượn hình ảnh Thúy Vân để tả Thúy Kiều vậy. Sóng nước, ánh sáng hay khí trời trên mặt nước đều nhuốm một màu tịch liêu, quạnh hịu và u hoài, xao xuyến.

Vẻ đẹp cô quạnh trong hình ảnh thiên nhiên của tác phẩm Oku no hoshomichi đã từng làm cho nhiều người nghiên cứu quy nó vào chất Thiền. Nhưng thực ra cái cô quạnh của văn chương đậm chất Thiền gợi ra một Niết bàn, ở đó con người thoát khỏi mọi dục vọng, mọi ưu sầu… hướng đến một ý chí tối cao là sự thanh thản, trung dung. Còn hình ảnh cô quạnh của văn chương Basho không chỉ gợi ra vẻ tịch liêu mà còn gợi ra những cảm xúc u hoài, xao xuyến. Mặc dù cả hai cùng cảm nhận bằng trực cảm, tránh xa dục vọng tầm thường, hướng tới cái đẹp của sự thanh tịnh. Nghĩa là một bên thì gợi ra ý chí, còn một bên lại gợi ra xúc cảm. Xúc cảm mà hình ảnh thiên nhiên cô quạnh trong tác phẩm này gợi ra có thể là nỗi niềm xao xuyến trước dấu ấn của mùa hay của đời sống con người lên thiên nhiên; có thể là nỗi niềm xao xuyến khi đứng trước một cảnh vật tác giả tìm thấy sự đồng cảm với các bậc tiền nhân cũng đã từng đi qua nơi ấy và viết thơ để lại; cũng có thể là nỗi niềm u hoài về quá vãng…

2.2. Hình ảnh thiên nhiên thanh tú, trang nhã

Sơn thủy trong thi tập Lối lên miền Oku cô quạnh nhưng cũng rất hữu tình, nó không bí hiểm, rợn ngợp mà rất hài hòa với vẻ đẹp thanh tú của những hình ảnh thiên nhiên khác.

Đóng góp lớn lao của Basho vào quan niệm sabi của văn học nói riêng, văn hóa Nhật Bản nói chung chính là ở việc ông đề cao tính thẩm mĩ trong nó. Trước ông, Teika (1162 – 1241) cũng chú trọng ý nghĩa thẩm mĩ, tước bỏ chất tôn giáo trong khái niệm sabi mà cha ông (Fujiwara no Toshinari) khởi xướng. Nhưng văn thơ Basho tìm đến cái đẹp thanh tú, tao nhã chứ không sặc sỡ, diêm dúa như sáng tác của Teika, cũng không như cái đẹp hưởng lạc của văn chương “phù thế” đương thời. Hình ảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp sabi trong Oku no hoshomichi vì thế còn có nét thanh tú, thơ mộng, thi vị… rất phù hợp với tâm hồn “duy mĩ” Nhật Bản cũng như hài hòa với tinh thân thần Thiền tông đã thấm đẫm trên đất nước Phù Tang này. Basho nói: “Nếu nhìn vật mà không nhớ hoa là kẻ man rợ, nếu tư tưởng mà không quay về trăng thì có khác chi cầm thú” [2; 31].

Vẻ đẹp thanh tú trước hết gợi lên từ hình ảnh trăng và mưa. Trăng và mưa trong Lối lên miền Oku hết sức phong nhã, trong sáng. “Ngay từ khi châm đầu gối bằng ngải cứu nhằm sửa soạn cho cuộc hành trình, tôi đã không ngớt miên man nghĩ đến vầng trăng ở Matsushi- ma”. Đọc những dòng đầu tiên của Oku no hoshomichi như thế, bạn đọc không khỏi khấp khởi, háo hức cùng Basho mau đến Matsushima ngắm trăng. Và đây là tất cả những gì chúng ta mong đợi: “Ánh trăng phản chiếu sáng trên biển: cảnh sắc Matsushima trông khác hẳn ban ngày”. Văn haibun chỉ miêu tả có vậy, cũng không trông chờ gì ở thơ haiku vì Basho “đặt lưng xuống” mà “ngậm miệng chẳng làm bài thơ nào”. Hattori Toho, môn đệ của Basho kể lại là: “Thầy có nói là khi đứng trước một cảnh sắc quá ư tuyệt vời, người mình như bị thu hút. Thầy không làm bài thơ nào ở Matsushima. Đây là một điều quan trọng” [1,69].

Phong nhã có lẽ chính ở sự vô ngôn ấy, nó là cái đẹp len thấm nhẹ nhàng vào cảm giác mà không dễ gì miêu tả thành lời. Nó là vẻ đẹp không đường nét, màu sắc cụ thể nào, chỉ biết “ánh trăng phản chiếu trên biển”. Có thể gọi “trăng” như thế là “hình ảnh trong gương”, nhìn thấy mà không nắm bắt được. Sau này Kawabata cũng dùng hình ảnh “thủy nguyệt” ấy để nói lên những tinh tế của tâm hồn.

Ánh sáng, mây, gió, sương… và cả mưa đều mang vẻ đẹp vô hình hoặc không định hình như vậy. Những ấn tượng bất ngờ này thường tạo niềm u hoài, nuối tiếc rất sabi. Hình ảnh mưa chủ yếu trong Oku no hoshomichi là mưa rào tháng năm (samidare) nên không có vẻ mơ màng như mưa mơ, mưa mận mùa xuân (mưa baiu). Nhưng nó phong nhã ở những khía cạnh khác. Mặc dù mưa tháng năm là hình ảnh gắn liền với “nước dột”, “rệp muỗi quấy rầy”, “đường sá quá ư lầy lội” hay “ủ nước cho dòng sông cuồn cuộn chảy”, tức gắn liền với những hình ảnh không chút phong nhã kiểu thi vị cổ điển. Nhưng thế nào Basho cũng chỉ ra được một khía cạnh rất hài hòa với hình ảnh khác của nó. Vẻ hài hòa tự nhiên có lẽ mới chính là cốt lõi của phong nhã. Ở Kasajima, nưa rào tháng năm trở nên “quá ư thích hợp” với những tên địa danh Minowa (mino: áo tơi) và Kasajima (kasa: dù che mưa). Mưa rào có thể “làm cho nhiều cái đổ nát để rồi trở thành một bãi cỏ hoang”, nhưng thay cho việc miêu tả sự hoang tàn, trống trải có thể có, Basho lại chiêm ngưỡng cái đẹp thuận hợp, an hòa của mưa:

Mưa tháng năm
không tàn phá đến
sảnh đường Dương Quang.

Sảnh đường Hikarido (Dương Quang) là một di tích văn hóa truyền thống quý giá ở nơi Oku hẻo lánh khi đó, chứng tích vàng son của những ông hoàng thế kỉ XII. Sự hài hòa của mưa tháng năm với ý nguyện giữ gìn vẻ đẹp văn hóa của con người đã làm nên một vẻ đẹp phong nhã đầy ý nghĩa. Hình ảnh mưa có vẻ như vô duyên khi làm mất đi cảnh trăng rằm mà nhà thơ mong đợi. Nhưng có thể chính nó đã giúp ta hiểu rằng đẹp hay phong nhã là ở chính trong tâm hồn chứ không phải tìm trong cảnh vật, hoặc thể phong nhã là chính sự tự nhiên của tạo vật chứ không như sự cố định hạn hẹp mà con người hình dung trước đó.

Vẻ đẹp phong nhã trong Lối lên miền Oku còn thể hiện trong hình ảnh hoa và các loài thảo mộc. Hoa lá cỏ cây… thường mang đến vẻ thanh tao, thi vị, lại càng trở nên phong nhã dưới những áng văn thơ đậm chất sabi của Basho.

Để nói về đóa hoa cây lật (hạt dẻ), Basho đã viết văn haibun rất tỉ mỉ về tên cây: “Chữ “lật” gồm chữ “tây” và chữ “mộc”, gợi ý ở Tây phương tịnh độ. Người ta bảo rằng Gyogi Bồ Tát suốt đời dụng gây cây lật và xây ngôi nhà cũng chỉ bằng gỗ lật”. Ngay đến Saigyo cũng nói một câu đầy ẩn ý: “Nơi rừng sâu tôi lượm hạt dẻ”. Về hoa dẻ, Basho viết:

Nhân gian
không màng đến đóa hoa

cây dẻ bên hiên nhà.

Vẻ đẹp của những bông hoa ấy không ở đường nét, màu sắc mà có khi chính ở sự vô dụng, thoát khỏi ham muốn cầu lợi của người đời. Khi “nhân gian không màng đến” thì nhà thơ lại nghĩ về nó thật nhiều, phân tích tên cây đến ngẫm nghĩ về cựu tích của nó. Bài thơ đầu tiên về hoa trong Oku no hoshomichi đã gợi ra vẻ phong nhã của bể Thiền: trong sáng và thanh cao. Hình ảnh hoa không được tả nhưng được lí giải gián tiếp qua điển tích nên vẫn rất sinh động.

Đôi khi Basho đặt hình ảnh những bông hoa giản dị, đời thường cạnh những hình ảnh vốn được thừa nhận là tao nhã, thanh cao từ trong truyền thống, để cho hai hình ảnh cân xứng với nhau và theo đó đưa hoa lên một vẻ phong nhã bất ngờ. “Hoa nghệ tây” được sánh cùng hình ảnh mĩ nhân trang điểm. “Hoa dạ hợp” sánh ngang nàng Tây thi mĩ miều:

Chà Kisagata
trong mưa Tây Thi ngủ

mơ màng những cánh hoa.

Ta ngộ ra một điều rằng thiên nhiên thanh tú, phong nhã là “một vũ trụ thuần khiết không còn sai biệt”. “Tất cả đều có cuộc sống, có Phật tính, có sự bình đẳng trong ánh sáng và cát bụi” [2; 35].

Cây cỏ trong Oku no hoshomichi cũng mang vẻ đẹp không rực rỡ sắc màu, không hào nhoáng mà thanh nhã và cổ kính, như hình ảnh của “những cây tùng có màu xanh mướt, óng ánh tuyệt vời. Cành cây bị uốn nắn liên tục bởi gió khiến ta có cảm tưởng như những cây tùng này đã tự tạo nên những nét cong cho chính mình”. Mỗi chương khác nhau Basho lại khắc họa rõ nét hình ảnh thanh tú của nó bằng vẻ cổ kính của những đám rêu bám chặt gốc tùng, ánh trăng huyền ảo xuyên qua kẽ lá, hình ảnh “những khóm lau đã trổ bông” từng được nhắc nhiều trong thơ ca của các bậc tiền nhân theo đuổi hai chữ “phong nhã” (fuga); hay hình ảnh đồng hoa mã túy bạc trắng…

Trong văn chương, thiên nhiên thường được dựng lên như một cái phông nền cho nhà văn khắc họa hình ảnh con người nhưng trong Oku no hoshomchi thì Basho không chỉ tạo không gian, thời gian nghệ thuật bằng cảnh vật, mà còn coi chúng như một hình tượng chính, nếu không muốn nói là hình tượng trung tâm, khá cân xứng với hình tượng con người miền Oku. Vì thế thiên nhiên mang sức sống tự nhiên, sinh động của chính nó, nhiều hơn là mang một ý nghĩa tượng trưng, ẩn dụ cho một hình ảnh nào khác. Nếu hiểu được tinh thần Shinto yêu mến thiên nhiên đến sùng bái của người Nhật, hiểu được nghệ thuật vườn đá, trông cây cảnh bonsai hay cắm hoa ikebana là tự nhiên được thu nhỏ chứ không là nhân tạo… thì chúng ta sẽ thấy được sự độc đáo rất Nhật Bản của hình ảnh thiên thiên trong Oku no hoshomichi. Basho khắc họa chúng ở những nét cô quạnh và thanh tú, ẩn chứa đằng sau là những xúc cảm xao xuyến, man mác, u hoài. Có lẽ đó cũng như một sự phản ứng của ông đối với Edo hoa lệ đến xô bồ mà nhân thế đang quay cuồng trong sự phát triển bát nháo của nó. Cũng là một thái độ phản kháng nhưng Basho rất tế nhị, nhẹ nhàng bằng việc bày tỏ nguyện vọng, ước mơ, niềm khao khát của mình vào một thực tại thanh tao mà ông tìm thấy ở Oku. Có gì đó giống như tinh thần ẩn dật của lớp nhà văn ẩn sĩ từ thời Heian xa xưa. Có gì đó vẫn rất dễ dàng đồng cảm với thời đại văn học sinh thái của chúng ta bây giờ!!

ThS Bùi Thị Mai Anh

Viện Giáo dục và Đào tạo Quốc tế, Trường ĐHSP HN

Ghi chú: Các câu haiku được sử dụng trong bài viết này do người viết tạm dịch, nếu do người khác dịch thì ghi rõ tên dịch giả, các câu haibun sử dụng bản dịch của Vĩnh Sính trong cuốn Lối lên miền Oku (Nxb Thế giới, H.1999).

Tài liệu tham khảo

1. Matsuo Basho, Vĩnh Sính dịch, giới thiệu và chú thích (1999), Lối lên miền Oku. NXB Thế giới, H.

2. Phan Nhật Chiêu (1994), Basho và thơ haiku, NXB Văn học, T.P.HCM.

3. Phan Nhật Chiêu. Thơ ca Nhật Bản. Nxb Giáo dục. T.P. HCM. 1998.

4. Nhật Chiêu (2003), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB GD, H.

5. Harold G. Henderson, Lê Thiện Dũng dịch (2000), Hài cú nhập môn, NXB Trẻ, T.P. HCM.

6. V.V. Ootrinicốp. Phong Vũ dịch (1996), Những quan niệm thẩm mĩ độc đáo về nghệ thuật của người Nhật, Số 5/1996, Tạp chí Văn học, tr.60.

7. Matsuo Basho, Donaid Keene translated (1996), The Narow Road to Oku. Kodansha imerational, Japan.