1. Kobayashi Issa – nhà thơ mang “trái tim trần bi cảm”

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã từng nhận định về Kobayashi Issa(1):
Issa sinh ra trên đời dường như để nếm trải mọi điều bất hạnh trần ai.
Như để hát cho nhân thế và hát cho muôn loài những khúc ca bi thiết nhất. Cũng là những khúc bi ca đẹp nhất, phát tiết từ một trái tim trần.
Một trái tim không che giấu sau những mây mù ảo vọng.
Những bi ca ấy có thi tính là Tình yêu, có thi tính là Phật tính.

Thật vậy, cuộc đời Issa thật bi thương, cái bi thương như một tấn trò đời phủ kín cả cuộc sống, phủ kín cả kiếp người và cũng phủ kín trong haiku của ông. Issa (Nhất Trà – một chung trà, hay một ngụm trà), và chính số phận của ông cũng nhỏ nhoi như một chung trà, đó là nỗi đau đớn cho sự mất mát lớn lao, nỗi buồn triền miên và niềm u uất.

Nếu đời là biển khổ thì Issa đang bơi trong biển khổ ấy với muôn ngàn con sóng dữ, nó vùi dập để ông không thể nào vượt qua được. Và thương thay, những con sóng ấy lại ập vào đời ông từ lúc ông còn quá nhỏ để có thể biết được thế nào là khổ đau.

Lên ba, Issa đã mồ côi mẹ. Cú sốc khá lớn cho một đứa bé mới bập bẹ vài từ, mẹ trong hoài niệm của Issa trở thành mênh mông, rộng lớn vô biên. Những bài haiku về mẹ của ông đã thấm đẫm nước mắt, đượm nỗi buồn:

Đến đây nào, với tôi
cùng chơi đùa chim sẻ
không còn mẹ trên đời.

Nỗi đau tột cùng vì mất mẹ không chỉ là nỗi đau duy nhất trong cuộc đời Issa, quả là kiếp người như một ván cờ cho tạo hóa trêu đùa, rồi những đứa con của ông cũng lần lượt qua đời, bỏ rơi ông cô đơn lạc lõng giữa dòng đời đầy nghiệt ngã chông gai, và lúc này những bài haiku của Issa như dòng nhật kí, là nơi ông thổ lộ niềm đau, nỗi buồn chôn giấu tận đáy lòng. Đọc thơ Issa, khó lòng mà không yêu ông được. Hầu hết người Nhật Bản yêu mến ông, vì trong thơ ông luôn có sự đồng cảm sâu sắc. Cả một trái tim vĩ đại đập sau mỗi dòng thơ ấy(2).

Thơ haiku của Issa rất dân dã và mộc mạc như chính ông vậy. Thích làm việc trên những cánh đồng hơn là ngồi trong một ngôi nhà sang trọng, thích ngắm hoa cải vàng hơn là ngắm những đóa mẫu đơn quý phái, và đó cũng chính là phong cách của một trái tim trần. Thơ Issa còn mang đậm cái tôi trữ tình mà xưa nay trong haiku cổ điển ít thấy.

Thơ Issa là bài ca não lòng về định mệnh, nó không chỉ là định mệnh của riêng ông mà còn là định mệnh của nhân thế. Ông không khóc riêng cho đời mình mà dường như ông đang hòa chung vào tiếng khóc thế gian. Ông thương yêu, đồng cảm cho những kiếp đời nhỏ bé, mà chính đời ông cũng nhỏ bé vô cùng. Issa đưa vào trong thơ ông những tâm hồn thơ dại nhất, những sự vật bé nhỏ nhất, những con côn trùng, con thú khả ái,… và những tâm tình xao xuyến tâm can.

Nếu xem haiku của Basho là những vần thơ uyên bác, đạt đến trình độ thượng thừa đặc sắc, Buson với mùa xuân tươi thắm, thiết tha, Chiyo-ni với lối viết trong sáng đến độ có thể biến haiku không còn là haiku thì khi đến với Issa, ta nhận thấy cái “nhân tình sâu thẳm” mà có lẽ trong thơ ca Nhật Bản duy nhất chỉ nổi trội mình ông.

Một phong cách haiku chân thật nhất, đượm tình nhất. Mà ở đây nó là tình thương người, tình yêu vạn vật, sự đồng cảm chân thành với những kiếp đời cơ nhỡ, nhỏ bé. Chính những điều đó, đã làm cho haiku của Issa mang thi tính là Tình yêu, thi tính là Phật tính. Một tâm hồn bao la, tả tơi, chua xót nhưng cũng bao lần ông hóa thân vào mùa xuân, vào cánh bướm, tiếng chim, và cả vào tình yêu của con người với vạn vật, của con người với con người.

2. “Phật tính” trong thơ haiku Nhật Bản

Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản khoảng 1000 năm sau thời đức Phật, qua ngã Triều Tiên. Và đến cuối thời Nara, Phật giáo Nhật Bản đã phát triển thành sáu tông phái là Tam Luận tông, Thành Thực tông, Pháp Tướng tông, Câu Xá tông, Luật tông và Hoa Nghiêm tông. Phật giáo thời này chiếm vị trí độc tôn trong văn hóa, nhưng phần nào cũng được kết hợp với các tín ngưỡng dân gian một cách khá tự nhiên. Tuy vậy, các tông phái Phật giáo thời Nara cũng bắt đầu suy thoái dẫn đến phong trào tân hưng trong chính Phật giáo. Các nhà sư Nhật từ Trung Quốc trở về và truyền bá các tông phái mới, làm cho các tông phái cũ mờ nhạt dần.

Tiêu biểu là Chân Ngôn tông do đại sư Kukai(3) thành lập. Tông phái này có ảnh hưởng rất lớn đối với thời Heian (thời đại Phật giáo bắt đầu được tân hưng). Như vậy Phật giáo đã làm thay đổi diện mạo rõ rệt của văn hóa Nhật Bản. Văn chương từ thời kì này trở về sau cũng chịu ảnh hưởng từ các triết lý Phật giáo rất nhiều. Do vậy, Nhật Bản đã trở thành một xứ sở của Thiền tông và Phật giáo. Tư tưởng Zen gần như chi phối toàn bộ tinh thần của các lĩnh vực nghệ thuật và đời sống con người Nhật – tạo nên một nền văn hóa độc đáo vào bậc nhất thế giới.

Những triết lý Phật giáo được thơ ca Nhật Bản tiếp thu và sáng tạo để trở thành những tác phẩm mang đậm tính chất Thiền, trong đó có “Phật tính”.

Xét về phương diện tôn giáo, Phật tính là thể bất sinh bất diệt của mọi loài theo quan điểm của Đại thừa. Theo đó, mọi sinh linh vạn vật đều có thể đạt ngộ để trở thành Phật. Điều đó không bị đời sống hiện tại bó buộc và hạn chế được. Phật giáo Tiểu thừa hầu như không nhắc gì về Phật tính, còn Đại thừa thì xem đạt Phật quả là mục đích cao nhất, thông qua quá trình tu tâm dưỡng tính mà Phật tính được thể hiện ra bên ngoài. Theo Thiền tông thì mỗi chúng sinh đều mang Phật tính, nhưng không tự biết và cũng không sống với sự tự biết này như một bậc giác ngộ hay như một vị Phật. Như câu chuyện kể về một tăng sư hỏi một thiền sư(4):

“- Tôi có Phật tính không? Sư đáp:
– Không.
Tăng hỏi tiếp:

– Tôi nghe nói mọi vật đều có Phật tính. Sao tôi không có?
Sư nhắc lại:
– Sâu bọ, muôn thú, cỏ cây, đất đá,.. tất cả đều có Phật tính, trừ ông. Vị môn đệ thắc mắc:
– Tại sao tôi lại không?
Sư trả lời:
– Vì ông khởi tâm hỏi.

Câu hỏi chứng tỏ vị tăng không nhận biết mình đang có Phật tánh. Sự nhận biết tỉnh ngộ này là đột biến quan trọng nhất có thể xảy đến. Và chỉ xảy đến cho loài người. Như thế, chúng ta nói mọi vật, kể cả vật chất đều có sẵn Phật tánh, nhưng phải là con người mới hội được điều này”.

Như vậy sự thức tỉnh này và sự sinh diệt, xảy ra từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc nọ, là biểu hiện của sự đồng nhất với Phật tính và cũng chính là mục đích của Thiền.

“Giáo ngoại biệt truyền; Bất lập văn tự;
Trực chỉ nhân tâm; Kiến tính thành Phật”(5).

Văn hóa Nhật Bản mang đậm tính chất Thiền. Thư pháp (shodo), là một trong những nghệ thuật Thiền Lâm Tế du nhập từ Trung Hoa trong thời đại Kamakura (1185-1333). Loại tranh này có ý nêu lên cái cốt lõi trong giáo lý của các Thiền sư xưa,thường những bức tranh thư pháp này đem đến cho ta những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu xa. Như bài thơ đề trong một bức thư pháp sau:

“Trong ngôi chùa cổ giữa thờ tiết lạnh, ngài nghỉ lại qua đêm.
Ngài không chịu nổi cái giá lạnh thấu xương của làn gió rít.
Nếu tượng kia không có được một chút tro ấm thì đâu còn gì đáng kể.
Nghĩ thế rồi ngài lấy pho tượng Phật bằng gỗ nơi tiền sảnh xuống và đốt lên”(6).

Nghệ thuật trà đạo cũng là nơi dung chứa ý vị Thiền rất tiêu biểu cho văn hóa Nhật Bản. Theo truyền thuyết kể lại rằng, tu sĩ Nhật Bản là Eisai (1145-1215) đã mang hạt giống cây trà từ Trung Quốc về năm 1168 và trồng trong chùa. Kể từ ngày đó “trà đạo” (chado) được xem là gắn liền với trường phái Thiền Lâm Tế của Eisai. Tuy không có tính chất tôn giáo theo đúng nghĩa, nhưng trà đạo gắn bó chặt chẽ và mật thiết với tinh thần Zen; người ta nói rằng “Zen và trà có chung một hương vị”. Ngay cả Bồ đề Đạt Ma là một tu sĩ Phật giáo Ấn Độ, được xem là Sư tổ Thiền tông Nhật Bản. Cách tu thiền của ông đặt trên nền tảng trên sự trầm tư, đã có ảnh hưởng trên các môn nghệ thuật của Nhật Bản như thư pháp, vườn cảnh và trà đạo. Như vậy văn hóa Nhật Bản mang xu hướng Phật giáo khá rõ rệt, chứng tỏ vai trò quan trọng của yếu tố Phật tính trong đời sống tinh thần của người dân Nhật Bản. Ở đâu, trong con người hay những vật hữu tri, vô tri, vô giác cũng đều mang Phật tính.

Không chỉ ảnh hưởng ở góc độ văn hóa, mà trong các sáng tác văn học Nhật Bản luôn mang đậm tính chất Thiền tông. Và như Myoe(7): “Cứ mỗi lần thiền sư Saigyo đến là bắt đầu câu chuyện về thơ. Ông nói: “Tôi có cái nhìn riêng của tôi về thơ. Và tôi ca ngợi hoa, chim cu, tuyết, mặt trăng – nói chung, các hình ảnh khác nhau. Nhưng thực chất tất cả những cái đó chỉ là vẻ ngoài đập vào mắt và dội vào tai. Nhưng dù sao thì những câu thơ chúng ta viết ra chẳng lẽ không phải là những châm ngôn ngụ ý? Khi ta nói về hoa, thì ta đâu nghĩ đó là những bông hoa hiện thực. Khi ta ngợi ca trăng, ta đâu nghĩ đó là mảnh trăng thường tình. Hãy cứ hình dung khi chúng ta có cảm hứng và những câu thơ tuôn ra. Cầu vồng rực rỡ đậu xuống, và hình như bầu trời trống rỗng bỗng đổi màu. Mặt trời rực rỡ chiếu sáng, và bầu trời trống rỗng được chiếu sáng. Nhưng bản thân bầu trời không thể tự nhuộm màu và cũng không tự chiếu sáng. Và chúng ta, trong tâm hồn chúng ta, giống như bầu trời kia, chúng ta tô điểm mọi vật trong các màu sắc khác nhau, không để lại dấu vết. Chỉ có thơ ca như vậy mới thể hiện được Chân Phật” (trích từ Tiểu sử Myoe của Kikai, học trò ông). Như thiền sư Dogen(8) đã viết trong Bản lai diện mục:

“Hoa thắm mùa xuân;
Cu gù tiếng hạ;
Trăng thu óng ả;

Tuyết đông,
Giá lạnh, tinh khôi”.

Thật vậy, chính sự vật cũng mang trong mình một sự biến đổi khác lạ. Nó biến đổi theo quy luật tự nhiên và cũng biến đổi theo cái nhìn của cả con người. Như vậy, trăng, hoa, gió, sương,.. những vật vô tri ấy đang căn đầy một sự sống và mang trong mình một Phật tính ngầm sâu. Những bài thơ miêu tả thiên nhiên, ngợi ca vẻ đẹp bốn mùa ấy chính là Thiền. Ở haiku cũng vậy, nó hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc, chứa đựng tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo Thiền tông. Theo quan niệm của Thiền tông thì vạn vật tồn tạo trong mối tương giao và hòa hợp lẫn nhau. Nhưng với con mắt bình thường ta chỉ thấy được những bề nổi thô sơ và bất động của vạn vật mà không thấy được những điều ẩn sâu bên trong chúng. Ta có thể nhìn thấy trời, mây, sương gió, hoa đào rơi…, nhưng thực chất những điều ta thấy đó là kết quả của sự vận động ngầm bên trong vạn vật để tạo thành. Như Chiyo viết:

Hoa triêu nhan
dây gàu vương hoa
bên giếng
xin nước nhà bên.

Chính vẻ đẹp của bông hoa triêu nhan đang hé nở làm cho nữ sĩ phải ngước nhìn và trân trọng nó. Hoa triêu nhan sáng nở chiều tàn, nhưng khoảnh khắc mà bông hoa dần hé lộ vẻ đẹp là khoảnh khắc đẹp nhất của đời hoa. Nhà thơ không muốn phá tan cái đẹp của tự nhiên đành “xin nước nhà bên” để hoa triêu nhan tiếp tục nở, mang hương sắc cho đời.

Và còn nhiều hơn nữa những bài haiku, thể hiện Thiền tính ấy:

Ao cũ
con ếch nhảy vào

vang tiếng nước xao.

Bài thơ con ếch của Basho là một ẩn số bí mật từ khi nó được sáng tác cho đến tận ngày nay. Cái “ao” ở đây có thể là cái ao tù đọng sau mưa, có thể là hồ nước nơi quê nhà, và có thể nó là chiếc ao đời, chiếc ao vũ trụ bao lấy cõi thế nhân. Con ếch nhỏ nhảy vào ao nước, như chính cuộc đời nhỏ bé nhảy vào cái ao vũ trụ. Nhưng thực thể nhỏ bé ấy lại làm vang lên được tiếng thủy âm (tiếng nước), làm chấn động một không gian tĩnh mịch của vũ trụ bao la, đó là bản chất đạt ngộ của Thiền tông.

Tất cả chúng ta đang sống trong cõi Ta bà đầy đau khổ. Mọi người luôn hướng về một cái tôi của riêng mình và nghĩ là nó sẽ không thay đổi. Nhưng trong Thiền tông, xác định cái tôi chỉ tồn tại tạm thời trong thân xác và nó luôn thay đổi trong mọi hoàn cảnh khác nhau. Thế nhân này như con thuyền trên biển, đang bị gió giật sóng dồn, có khi biển lại yên ả dịu dàng. Vì vậy ta nên tiếp nhận chân lý vô ngã – vô thường, để trút bỏ hết mọi gánh nặng trần ai, đánh thức Phật tính trong mỗi con người. Nếu cứ u mê vào cái chân ngã bất biến thì cuộc đời sẽ lún sâu vào vũng bùn bến mê, tham dục, hận thù.

Đỉnh cao của Phật tính trong mỗi con người là tâm hồn được thanh tịch, mọi thứ đua ham sân si bị tận diệt. Như Tham Thiền (zazen) để tĩnh tâm chứng ngộ Phật tính vốn có trong mình nhằm mang lại sự bình an tâm thế, tự tại ngay giữ những rối ren, xáo động của nhân thế. Mọi vật đều mang Phật tính, không cần năng lực nào hóa giải mà chỉ cần tâm Thiền thì có thể chứng ngộ Niết bàn. Vì vậy vạn vật đều bình đẳng như nhau, không hơn không kém, cho dù luôn xem chúng là những kiếp nhỏ bé thấp hèn. Không thể nhận định, đánh giá vạn vật hữu sinh, vô tri, bất giác trong cuộc đời này vì chính bản thân chúng cũng có thể hóa Đại Phật.

3. Phật tính trong thơ Issa

Đối với Issa, thơ ông có “thi tính là Phật tính”. Cuộc đời ông như một hố đen vô vọng của những nỗi buồn, niềm đau và khổ ải. Cho nên Phật tính trong thơ haiku của ông càng mạnh mẽ và thấm đượm triết lý nhân sinh quan Phật giáo. Trong tâm ông lúc nào cũng có ánh hào quang trên đỉnh Niết bàn soi chiếu. Cho dù viết về cuộc đời, viết về con người hay vạn vật nhỏ bé, thơ Issa vẫn mang Phật tính trong đó. Vì ông bây giờ là một vị Bồ Tát, đã tịnh độ chân không, buông bỏ bụi trần, thoát cõi Ta bà về với Niết bàn Phật pháp.

3.1. Hư không trong cuộc đời “vô thường”

Cuộc đời là một bể khổ, và vượt qua bể khổ đó ta có thể chứng ngộ Phật Đà. Trái tim trần Issa đã chịu quá nhiều mất mát. Và để xóa nhòa nó, ông đã quay về với cái hư không, cái vô thường của cuộc sống. Lang thang hơn hai mươi năm, chỉ về thăm nhà một lần, trong ông quê hương là nguồn cội, gia đình là bến yêu thương. Thế mà khi trở lại quê, Issa cảm thấy cả nhân thế nhìn ông bằng con mắt ghẻ lạnh, vô hồn và vô cảm.

Về làng cũ
những bụi hoa xưa

chìa gai ra đón.

Đó là nỗi đau khi bị chính quê hương chối từ, bị những tình thân đón chào bằng sự lạnh lùng, gai góc. Con tim Issa như rỉ máu, bị những cái gai đời nhọn hoắc đâm nát, xác xơ hình hài. Nhưng ông biết, không cần quan tâm sự đời thế nào, chỉ cần biết ta đây sống tốt với đời ra sao là được, cảm thấy không hổ thẹn với cuộc sống này. Và đến khi từ giã cuộc đời, Issa vẫn còn thấy cuộc đời là một cõi hư không.

Muôn phần tri ân
chăn tôi đầy tuyết trắng
từ Tịnh Độ rơi sang.

Trước khi viết bài thơ cuối cùng này, chính ông cũng biết trước về cuộc đời mình. Giữa mùa đông đầy tuyết trắng, Issa qua đời. “Chăn tôi đầy tuyết trắng”, tuyết trắng thật tinh khiết và nhiệm màu, tô điểm cho đời ông một màu trắng hư không, một màu trắng không vướn chút u phiền. Màu trắng cho niềm vui thanh thản, màu trắng cho nỗi buồn miên man. Lạ thay, tuyết đó không từ trời rơi xuống, không bám vào nhành cây, bãi cát. Mà tuyết “Từ Tịnh Độ rơi sang”, lắp đầy tấm chăn của Issa, như đang ủ ấm một tâm hồn chứ không phải làm giá buốt con tim. Tuyết là chất xúc tác mạnh mẽ cho Phật tính trong ông bùng phát, để đưa ông về cõi Niết Bàn.

“Issa là tín đồ của Tịnh Độ chân tông, nên tình yêu vô hạn với Đức A Di Đà, đối với chúng sanh trong cõi Ta bà đã ảnh hưởng sâu sắcđến tình yêu muôn loài mà ta thấy biểu hiện huy hoàng trong thơ Issa”(9).

Đối với ông, mọi vật sinh linh trong thế gian này đều có sự sống riêng, mơ ước riêng mà không ai có quyền phá vỡ nó. Ông gọi đó là Phật tính, và trong thơ ông Phật tính thấm đẫm tính Thiền tông. Issa thấy, cuộc đời là một khối hỗn loạn mà không có đường thoát khỏi, chỉ có cách xem nó là hư không, là vô nghĩa thì mới không bị nó chi phối.

Thế giới giọt sương này
giọt sương, cho dù thế
ai hay, ai hay…

Mặc kệ thế gian, Issa vẫn ung dung tự tại như chính giọt sương này. Cuộc đời ông phiêu bạt, nay đây mai đó, không phụ thuộc vào bất cứ cái gì, không phụ thuộc vào bất cứ ai. Vì cuộc đời là một không tính – là một cái thùng trống rỗng. Chẳng cần ai hay sự tồn tại của những kiếp đời, mà những kiếp đời ấy cứ tồn tại.

Nhơ bẩn thế gian
dừng chân chi nữa
nói rồi, sương tan.

Chính giọt sương cũng không chịu nhơ bẩn bụi trần của thế gian này. Không dừng chân lại phút chốc nào nữa. Lời thôi thúc tìm về với cái chân ngộ của Phật giáo đã giúp Issa và giọt sương tan nhanh trong ánh nắng. Cuộc đời sương không kết thúc, mà đang chuyển hóa thành một cuộc đời khác tĩnh tại hơn, tạo nên một vòng tuần hoàn diệu pháp. Sương rơi rồi lại tan, tan rồi ngưng tụ để rơi, như thế cứ tiếp diễn vô tận.

Ông ung dung tự tại đến nỗi:

Trong thế giới này
bước đi trên mái địa ngục

ta nhìn hoa bay.

Bước đi trên địa ngục, cái địa ngục trần gian đã làm ông đau khổ. Nơi tối tăm và sâu thẳm của nỗi đau, ông bước những bước an nhiên, tâm tĩnh, đời bất biến. Ngắm những cánh hoa rơi, người ta cứ lầm tưởng Issa đang sống một cuộc sống vui vẻ biết bao, nhưng không ngờ ông đang che giấu bên trong là một nỗi buồn vô vọng.

Tự tại an nhiên
con ếch ngồi nhìn
núi đồi thanh vắng.

Một cuộc sống vô thường, sống như không sống. Và không gian cũng như chiều lòng người thi sĩ. Thanh vắng, tự tại và an nhiên. Ngay cả những kiếp nhỏ nhoi như con ếch cũng tận hưởng cuộc đời như vậy. Tâm bình lặng để thấy được ánh sáng từ cõi Niết Bàn, để phát sinh Phật tính, để thành Đại Phật. Và từ cách sống hư không với cuộc đời vô thường này, Issa đã giác ngộ được Phật tính, giác ngộ được ngã Phật từ bi, ông lại càng yêu thương và đồng cảm cho những kiếp người khổ đau như mình hơn.

3.2. Niềm “bi cảm” sâu xa trước vạn vật và con người

Nói về niềm bi cảm (aware(10)), đó là một trong các khái niệm cơ bản về mỹ học của người Nhật Bản. Aware là một trực giác thẩm mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, gợi tả một vẻ đẹp chóng tàn, mà nỗi buồn man mác trước sự tàn phai đó là một phạp trù mỹ học. Với người Nhật, học quan niệm việc nhìn một cánh hoa anh đào bị cơn gió phẩy lìa cành rơi lả tả thì đẹp và đáng xem hơn một bông hoa còn nguyên trên cành. Họ thích nhìn vầng trăng bị che khuất một phần bởi đám mây hơn là ngắm một vầng trăng tròn vằng vặc. Họ đáng giá cao cái giá trị vẻ đẹp đang quay trở về với nguyên thủy, cái buồn lúc buổi xế tà cũng là lúc bắt đầu cho buổi bình minh. Một vẻ đẹp mong manh, thấm đượm những cảm thức vô thường của Phật giáo, và đó chính là Aware.

Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu thì aware(11) là:

“Chữ aware, có thể ghi sang Hán tự là “ai” (bi ai), mang nhiều ý nghĩa khó xác định. Các học giả Nhật đã theo dõi cách sử dụng nó từ thời cổ đại với tập thơ Manyoshu (Vạn diệp tập) cho đến thời hiện đại. Không cần thiết phải nhắc lại ý kiến của họ ở đây. Chỉ cần biết rằng trong thời Heian, chữ aware được dùng để gợi tả vẻ đẹp tao nhã, nỗi buồn dịu dàng, pha lẫn cảm thức vô thường của Phật giáo”.

Nói tóm lại aware là một niềm bi cảm trước mọi vẻ đẹp u buồn, não lòng của sự vật và con người.

Nhưng theo Motoori Norigana(12) thì aware không phải là “nỗi buồn sự vật” mà là sự nhạy cảm, tính dễ xúc cảm của con người trước sự vật, là sự rung động từ trái tim bởi tất cả các cảm xúc từ niềm vui, nỗi buồn và cả sự yêu thương. Motoori Norigana cho rằng aware là tất cả các cảm xúc của con người thay vì là nỗi buồn, và tiếng thở dài trước những hiện tượng. Và aware không phải là những cảm xúc thông thường, thoáng qua chốc lát, mà là những cảm xúc mang tính chất sâu lắng, mãnh liệt, trào lên từ tận đáy lòng của con người.

Như vậy nếu “Văn hóa Ấn Độ thiên về tư duy thần bí. Văn hóa Trung Quốc thiên về hành động và thực tiễn. Văn hóa Nhật Bản thì thiên về tình cảm và cái đẹp” cho nên “đó là một nền văn chương của tình cảm và thiên nhiên”(13).

Đến với thơ haiku của Issa, ta lại bắt gặp trong đó một aware. Một bi cảm sâu xa trước vạn vật và con người. Đối với ông, cuộc đời là một cõi Ta bà đầy đau khổ, nơi đó những kiếp người đang chật vật, nổi trôi trong cái bể khổ trần ai. Họ không thể thoát ra được cái vòng lẩn quẩn đó như chính Issa cũng đã dấn thân vào nó vậy. Con người, một tạo vật thiêng liêng mà tạo hóa đã ban tặng cho thế giới, nhưng đó cũng chính là một trò đùa số phận mà tạo hóa đã sắp xếp để thế giới có thêm những nỗi buồn, niềm đau khổ. Chính Issa đã nhận ra được cái địa ngục trần gian đang giam lỏng những kiếp người đó, từ chính những nỗi đau mà ông đã trải qua. Nỗi đau mất mẹ, mất những đứa con thân yêu làm cho Issa thêm thấm thía bi kịch cuộc đời, để rồi ông thấy cảm thương hơn cho những số phận như mình:

Côn trùng ơi, đừng kêu
trên trời cao ấy
chia lìa đôi lứa yêu.

Trong trời mưa ngâu, bên giường người vợ đang hấp hối, bất lực trước cuộc đời, thần chết sắp cướp đi người vợ. Issa chỉ biết viết vào nhật kí đời mình vài dòng thơ như lời tiễn biệt, và nước mắt ông rơi khi nhìn thấy “cái đau trong cõi tinh thần”, cái mất mát quá lớn và quá nhiều cho cuộc đời ông. Không chỉ mất mát một lần mà Issa còn như bị sự tuần hoàn đó đeo bám. Những đứa con của ông cũng bắt đầu ra đi về với cõi chết, thoát khỏi thế nhân, nơi mà người cha tội nghiệp đang đau xé lòng vì chúng. Cuộc hôn phối với người phụ nữ thua kém nửa tuổi đời, nhưng nàng Kiku vẫn chấp nhận số phận đó. Và dường như tạo hóa đã ganh ghét sự hạnh phúc của đôi vợ chồng này, để ban cho họ những năm đứa con và chúng nó được sinh ra chỉ để chết trong thời thơ ấu. Issa viết Mùa xuân của tôi (Oraga Haru, 1819), khi đứa con thứ hai là Sato ra đời và chết ngay sau đó. Có lẽ Issa sinh ra là để rước mối tai họa cho bản thân mình và cho cả những người thân của ông vậy. Ôi, những năm tháng đầy đau đớn và nước mắt đã khiến cho Issa kiệt quệ, thân tàng ma dại, khiến cho hạnh phúc vỡ tan khi nhìn đứa con thơ tập bò, tập cười, và thấp thoáng đâu đó hình ảnh người vợ lại hiện về trong từng động tác của đứa bé con:

Không còn mẹ
một mình em bé tập cười

đêm mùa thu rơi.

Đứa con nhỏ của ông giờ đây như chính ông lúc nhỏ, mất mẹ từ lúc mới bập bẹ vài câu, mới chập chững vài bước. Hình ảnh quá khứ của Issa chợt hiện lên làm lòng ông đau rát như hàng nghìn mũi kim, hàng vạn con ong con kiến đang xâu xé “trái tim trần” đầy vết nứt ấy. Đêm mùa thu trong ông giờ là nỗi ám ảnh cho cái chết. Cũng như nhà thơ Ryôta, phải chạy đi tìm những con đom đóm về cho đứa con ốm đau đang nằm trên giường bệnh:

Hiu quạnh sao!
một lồng đom đóm
em bé nằm đau.

Những con đom đóm phát ra thứ ánh sáng lập lòe, nhấp nháy, đó cũng như cuộc đời những con người bé nhỏ đang phải chịu cái bóng tối khổ đau bao trùm. Và Issa cũng viết về những con đom đóm:

Liêu xiêu, liêu xiêu
con đom đóm lớn
qua miền quạnh hiu.

Những con đom đóm ấy có thể phát ra được thứ ánh sáng mang đến niềm vui cho con người, nhưng cũng có thể phát ra thứ ánh sáng tịch liêu, bi ai cho buồn một kiếp. Thứ ánh sáng thật đẹp nhưng lại đượm buồn, nhỏ nhoi nhưng mang lại một niềm bi cảm rất lớn. Bởi vậy Issa thấy thế gian này là một cõi hỗn loạn, con người là một thứ trò chơi và vạn vật là những miếng mồi nhử.

Văn hóa Nhật Bản mang những vẻ đẹp rất riêng biệt. Có lễ hội bắt đom đóm để làm thú vui tao nhã, nhưng trong thú vui đó lại mang một nỗi buồn miên man. Phải chăng con người đang tự bắt chính bản thân mình bỏ vào những cái lồng đèn để mua vui cho chính bản thân họ mà không hề hay biết. Trước những sự việc ấy Issa rưng rưng, thương cho nhân thế mù quán lâm vào vòng xoáy tội lỗi mà chỉ có tịnh tâm quay về với bản ngã mới cứu rỗi được chính mình.

Mưa mùa xuân reo
một cô gái bé nhỏ
dạy mèo con múa theo.

Và đối với Issa mùa xuân không còn là mùa đẹp nhất nữa. Vì trong ông bây giờ là sự cô đơn trống trải. Ông mất đi quá nhiều thứ, và có lẽ ông đã đánh đổi cả cuộc đời mình vì nhân thế. Mùa xuân đang reo ca, hoa anh đào đang rụng, mưa bụi đang lất phất bên hiên, nhưng đó có là gì với một cái xác không hồn như ông chứ. Con người đang quá bơ vơ trong cái thiên nhiên rộng lớn. Haiku Issa không thường chú tâm về thiên nhiên như Basho hay Buson, mà luôn hướng đến một thực thể tồn tại đó chính là con người. Con người trong thơ ông thật đau thương, có thể tạm gọi đó là cái sầu cho nhân thế. Em bé nhỏ chơi một mình, không biết đến những giọt mưa xuân đang pha cánh anh đào rơi nhẹ mà chỉ để tâm đến chú mèo – người bạn thân nhất của bé. Cuộc đời quá ác độc khi để một đứa bé tuổi đời còn quá non trẻ phải chịu nỗi bi cảm chất chồng, đến nỗi trên gương mặt em không có lấy một nụ cười. Issa đau lòng là thế, sầu não là thế, chỉ vì nhân thế chứ không vì bản thân ông. Ông cũng đã từng rơi nước mắt, từng khóc cho bản thân nhưng không nhiều, đa phần ông khóc vì người khác.

Issa khóc cho người là vậy, khóc cho đời là vậy, và ông còn khóc cho những sự vật nhỏ bé, những sinh linh lầm than, những vật vô tri vô giác chẳng biết đau khổ là gì. Nếu con người là một tạo vật hoàn hảo của thế gian, là kẻ thống trị muôn loài, mà chính họ cũng bị vùi dập, cũng bị khổ ải thì nói chi đến những sự vật nhỏ bé ngoài kia đang bất hạnh nhường nào. Trong cơn mưa lạnh lùng, rét buốt, vạn vật tìm chổ trú ấm áp thì một chú ốc nhỏ đã làm cho Issa chạnh lòng mà viết:

Con ốc nhỏ ơi
em đi đâu thế

mưa còn đang rơi.

Số kiếp nhỏ nhoi, cuộc đời của những bước bò chậm chạp, con ốc hiện lên dưới cơn mưa tầm tã, đáng lẽ phải được một gốc cây hay chiếc lá nào che chở khỏi những giọt mưa tuôn ấy, con ốc lại cô đơn bò dưới mưa một cách chậm rãi. Hay chăng con ốc muốn tắm mình trong cơn mưa ấy để gội rửa thân thể, và không, chắc không phải vậy, có lẽ cuộc đời này đang cố dồn nén mọi sự khổ cực lên cái vỏ ốc nhỏ bé đó để trong mưa nó phải nặng nề bước đi, phải chịu nỗi khổ trần ai này. Issa thấy con ốc sao nhỏ bé mà dũng cảm, dám một mình đối chọi với tạo hóa, với đường đời. Nó không nhút nhát, và không buông bỏ như chính Issa đã chịu những nỗi đau ngày trước. Ông thấy khâm phục cái vẻ đẹp cao cả trong hình hài nhỏ bé của con ốc, và dưới ánh trăng ông nhìn thấy con ốc hiện lên với một vẻ đẹp u huyền:

Ánh trăng sáng dần
một con ốc nhỏ
nửa mình khỏa thân.

Vậy là sao cơn mưa đời u buồn ấy, con ốc khỏa mình dưới ánh trăng đêm vằng vặc, tắm mình trong sương khuya mát lành tận hưởng một cuộc sống hư không, khi gió bão cuộc đời đã chớm qua đi. Issa cũng vậy, ông hòa vào làm một người bạn, tâm tình với chú ốc nhỏ để hiểu hơn cuộc đời nhỏ bé này hạnh phúc ra sao. Cái nhìn của Issa là một cái nhìn sâu thẩm từ con tim chứ không phải từ đôi mắt trần tục nữa. Con tim ông giờ như đang mở rộng ra để chứa đựa cả vạn vật, cả thế gian này.

Và con ốc ấy, con ốc của kiếp sống nhỏ bé ngắn ngũi, gợi cho Issa nhớ về thời quá khứ của đời mình:

Trên cánh cửa sài
nằm con ốc nhỏ
định cài then ư?

Cuộc sống thanh bần của một nhà thơ, cuộc sống đúng chất tĩnh tại và cũng đúng chất thơ. Cánh cửa rào không cần ổ khóa, và nói đúng hơn có gì đâu mà khóa. Có cửa cũng như không cửa, có nhà cũng như không nhà, vì chính thế gian chính là căn nhà rộng lớn chứa đựng mọi vật trên đời. Đối với Issa, con ốc là một người khách quý, một người thân trong gia đình, vì chính ông và con ốc luôn bình tâm, thông hiểu nhau một cách khó ngờ. Cả hai luôn trong tâm thế tĩnh tại cho dù dòng đời có muôn vàng biến động.

Không chỉ với chú ốc “bằng hữu” ấy, Issa còn nhớ về chú chuột, để rồi nước mắt nhà thơ rưng rưng:

Bên dòng Sumida
chú chuột kia uống nước

mưa mùa xuân pha.

Ôi, một thực thể bé nhỏ, chú chuột bị xóa nhòa bên dòng sông mênh mông rộng lớn. Nếu là một người không mang tình yêu với những kiếp đời nhỏ bé thì sẽ không thấy được chú chuột như Issa. Chú chuột nhỏ mơ ước một ngụm nước mùa xuân tươi mát, cho dù biết sẽ gặp gian nan khi uống nước sông đang cuồn cuộn, nhưng chú chuột vẫn cứ thong dong tự tại. Không màn sự đời để đạt được ước mơ nhỏ nhoi ấy. Và chú chuột nhỏ bé đã ngặm được cả mùa xuân vào miệng mình, như thể đang tiến về cõi Niết bàn của chuột. Đó là điều đẹp nhất mà một con vật nhỏ bé mơ ước được. Nhưng Issa có mơ ước được như chú chuột nhỏ bé kia đâu, ông mơ thật nhiều những giấc mơ tươi đẹp, mơ về một gia đình hạnh phúc, và mọi thứ đều bị vỡ tan trước trò đùa vô nhân của cuộc đời. Bởi thế, ông gửi gắm vào từng số phận nhỏ bé như chú chuột, con ốc, con ếch những ước mơ mà ông không thể thực hiện được, ở đó ông cũng thấy vui rồi.

Issa cảm thấy tâm mình hòa vào cùng những kiếp đời nhỏ bé, yếu ớt nhưng can trường, dám sống, dám vượt qua:

Con ếch gầy ơi
đừng cam lòng khuất phục

Issa đến rồi.

Như con ếch gầy, chịu một cuộc đời ngang trái, thiếu thốn vô bề. Có lẽ cái ăn cái mặc là nỗi khổ lớn nhất của đời người và cả đời vạn vật nhỏ bé. Nhưng vượt qua được là một điều đáng khen, Issa hóa thân vào con ếch, hay con ếch là hiện thân của ông, để từ đó niềm động lực tuông trào thoát khỏi cảnh đời bế tắt, thoát khỏi “cái ao tù bằng phẳng” để vươn lên một cuộc đời mới đã trở thành hiện thực. Với Issa, cuộc đời là vô ngã, vì thế ông có thể đồng hóa với những sự vật trên đời, từ con người đến vạn vật nhỏ bé như con ốc, con bướm, chú chuột, con ếch… Ở đó nhà thơ tìm thấy niềm an ủi triều mến từ những “người bạn” bé nhỏ này.

Không những viết về những sự vật nhỏ bé ấy, Issa còn tỏa lòng mình đến những vật vô tri vô giác mà đối với ông nó vẫn mang một linh hồn tươi đẹp:

Cỏ vô dụng
vẫn mãi mê lan tràn
và mặt trời cũng tràn lan.

Đối với con người, cỏ có là gì và cỏ là vô dụng. Nhưng có ai biết được, bên trong những cây cỏ nhỏ bé ấy lại mang cả một tâm hồn sâu lắng, một tâm hồn hòa quyện vào vạn vật để tạo nêm một chỉnh thể hoàn hảo cho vũ trụ này. Cỏ làm cho thế gian thêm xanh mướt, làm cho sự sống thêm lan tràn, và hơn nữa như Whitman từng nói: “ Mầm cỏ non bé nhất cho thấy thực ra không có chết chóc gì. Và nếu có đi nữa, nó cũng dẫn đưa đời sống đi lên chứ không đợi ở chổ tận cùng mà chặn ngưng cuộc sống…” Vì vậy cỏ thật “vô dụng” với những con người tầm thường chẳng biết thế nào là một cuộc sống ngầm đang trôi chảy trong những thứ vô tri. Chỉ có những con người như Issa, con người chịu nỗi đau tột cùng mới hiểu được số phận từng sự vật, thấu hiểu và cảm thông cho những số phận ấy.

Nếu như người ta ngắm nhìn một đóa hoa mà chỉ chú ý đến màu sắc, hương thơm thì quá chi là tầm thường, như vậy là chưa hiểu hết được hoa. Với Issa khi ngắm hoa là phải ngắm đến cả cuộc đời của bông hoa:

Đời này đời sau
một cành hoa Bụt
nở bên giậu rào.

Một nhành hoa nhỏi nhoi, vậy cuộc đời nó có những thú vị gì, hay nó chỉ nở rồi tàn, theo một quy luật tự nhiên nhất định. Không, bên trong bông hoa nhỏ ấy là cả một cuộc sống đang hiện diện. Cánh hoa từ khi chỉ là cái nụ nhỏ trên cành, đã ẩn chứa một sức sống mãnh liệt, uống sương khuya, tắm nắng sớm để rồi bung nở thành một bông hoa tuyệt đẹp. Rồi cuộc đời đó cũng phải chịu bao gió giật mưa trôi, bọn sâu bọ nhăm nhít, nhưng đóa hoa vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có của mình. Cái gì cũng vậy, cũng mang trên mình một quy luận bất biến, hoa nở rồi cũng phải tàn, nhưng cái đẹp thật sự, cái đẹp sâu sắc nhất là khi những cánh hoa bắt đầu tàn héo, bắt đầu lìa cành, rơi rụng. Một cái đẹp hoang sơ, đầy thu hút, cái đẹp của sự bi ai, mà con người Nhật Bản luôn trân trọng nó. Issa cũng vậy, ông gửi vào cuộc đời bông hoa là cả cuộc đời mình, để rồi khi hoa tàn cũng như cuộc đời ông kết thúc. Tuy kết thúc nhưng nó vẫn mang một vẻ đẹp u huyền, đầy bí ẩn và là cội nguồn của bao cái đẹp.

Như vậy từ niềm bi cảm sâu xa trước vạn vật nhỏ bé và con người, Issa đã viết nên những bài haiku thật chân thành, chứa đựng tình cảm thiết tha, sự cảm thông sâu sắc, tình yêu đối với mọi kiếp người, sự vật yếu ớt, bé nhỏ luôn cần những điều sẽ chia đằm thắm. Ông đã hòa mình vào vòng xoáy luân hồi, hòa mình vào vạn vật sinh linh, để thấy mình đang nhẹ nhàng bay bổng với chim muôn, hoa lá. Đó cũng là cõi Niết Bàn trong lòng Issa mà ông hằng mong ước. Ở đấy ông thoát khỏi cuộc đời khổ đau, thoát khỏi nỗi buồn trầm luân để sống một cuộc sống ảo diệu chốn Thiên Đàng.

3.3. Tình Mẫu – Tử

Có lẽ khi nhắc đến mẹ, Issa cảm thấy lòng mình nhói hẳn lên. Nỗi đau ấy, cái nỗi đau giầy xé con tim ông từ lúc lên ba đã làm cho Issa mất hết cảm giác đau đớn rồi chăng. Trái tim Issa giờ như chay sạn, phủ lấy một lớp tuyết dày, làm cho nó trở nên lạnh lẽo vì từ lâu ông đã thiếu hơi ấm từ mẹ. Một cậu bé thơ ngây, sống chật vật trong cảnh bị mẹ kế chèn ép, cha ông thì quá yếu mềm không giữ được sự êm ấm của một gia đình, cuộc đời Issa lại thêm một cung sầu não. Tình thương yêu cự tuyệt, tình mẫu tử chẳng mấy đậm đà, nhưng cho dù không nhớ mẹ mình là ai, trong thâm tâm Issa mẹ vẫn là người đẹp nhất. Có lẽ vì lý do đó, Issa rất nhạy cảm với những cảnh mất mát trong thiên nhiên, những nỗi đau chia lìa, và ông đã nghẹn ngào nén nỗi đau ấy mà thốt lên rằng:

Người mẹ và bầy con
xa nhau…
những con chim bị bắn.

Những con chim nhỏ, chúng cũng cần có tình yêu thương. Và chính ông cũng khát khao tình yêu thương đó – tình mẫu tử thiêng liêng. Issa thấy buồn cho bầy chim mất mẹ, thấy buồn cho những sinh linh nhuốm một cuộc đời bất hạnh ấy. Rồi đây tiếng kêu thảm thiết của những con chim non có làm náo động cả một góc rừng chăng? Rồi cuộc sống chúng sẽ ra sao khi chúng chưa đủ lông, đủ cánh để tự lo cho bản thân mình. Lại một điều đau khổ. Có lẽ chất chứa sâu lắng nhất trong tâm hồn thơ của Issa là tình mẹ, vì ông thiếu nó, ông khao khát nó quá rồi.

Buồn, lại buồn. Nó chiếm lấy cả tuổi thơ của ông. Trong khi những đứa trẻ khác có một cuộc sống tràn đầy yêu thương, thì Issa lại lủi thủi với manh áo rách, ngồi bên thềm mà nhìn chú sẻ non đang lạc bầy, ông thấy cay khóe mắt, ông khóc ư:

Đến đây nào, với tôi
cùng chơi đùa, chim sẻ
không còn mẹ trên đời.

Chú sẻ non lạc bầy, như chính Issa đang lạc giữa chốn Ta bà đau khổ. Tâm hồn ông thổn thức trước những cảnh vật xung quanh, đặc biệt là đối với sự cô đơn. Chú chim sẽ lạc bầy, bơ vơ tìm kiếm đàn của mình. May thay, chim sẻ còn có đàn, còn có những con chim khác bảo bộc, còn Issa thì có ai. Ông ước mơ được như chú chim kia có bầy đàn, sống trong sự ấm áp chở che, chứ không cô độc lang thang khắc mọi nơi như vậy. Issa đi rất nhiều nơi, cũng như Basho, ông muốn là một hành giả, muốn tìm những cái đẹp trên đường đi và cái đẹp của đời ông là sự cô đơn, đau khổ. Cuộc hành trình ấy, không ai là bạn, không ai sẻ chia, nhưng Issa vẫn cảm thấy vui tươi vì có những kiếp đời “mồ côi” cùng mình hết chặng đường vạn lý:

Ruồi trên nón ta ơi
hôm nay vào thành phố
thành dân Edo rồi.

Issa nhìn thấy mình như một đóa hoa cô đơn, một chòm mây lẻ loi và như một chú đom đóm không bao giờ biết phát sáng:

Mồ côi
đom đóm không ánh sáng

đấy là tôi.

Chú đom đóm cũng mồ côi như Issa, vì sao chú không phát sáng? Vì chính cuộc đời bất công đã cướp đi ánh sáng của chú rồi, ánh sáng từ tình mẹ, ánh sáng từ sự ấm ấp thương yêu. Cuộc đời ai cũng có mẹ, còn Issa và đom đóm như những đứa con lạc loài vì khi mẹ mất, ông có biết mẹ mình là ai, bởi ông còn quá nhỏ.

Hay lúc quay về với biển, Issa thấy tiếng biển rì rào sao như tiếng ru của mẹ. Tiếng ru êm ái đưa ông về những ảo huyền cảm xúc, tiếng mẹ đang gọi con hay tiếng biển đang gọi người:

Ôi, biển khơi
khi tôi nhìn thấy biển

Mẹ tôi ơi!

Biển mênh mông, bao la như tình mẹ. Biển là vô tận như lòng mẹ luôn vô tận với con. Lúc này nước biển không còn mặn nữa, mà nó lại ngọt ngào như dòng sữa mẹ, nó mang cái ngọt của tình mẫu tử. Một con người thiếu vắng tình mẹ quá lâu, bây giờ biển lại là mẹ, “mẹ biển” dang rộng vòng tay với những đợt sóng cuộn trào ôm lấy bờ cát trắng, như chính mẹ đang ôm chầm lấy con vậy. Issa đứng trước biển, như đang đứng trước người mẹ quá cố của mình. Biển bây giờ là bất tử và tình mẹ trong tim ông cũng bất tử như biển khơi.

Tình mẫu tử thiêng liêng ấy là nguồn cảm hứng sâu xa cho Issa viết nên những bài haiku thấm đẫm tình yêu mến. Có lẽ chưa có ai ông yêu thương hơn mẹ, cho dù mẹ ở bên ông trong một thời gian ngắn ngủi, hay vì có lẽ “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ” đã làm cho Issa xem mẹ mình như Bồ tát, nhưng một vị Phật tự tại trong tâm. Vị Bồ tát đó đã dùng tình thương của Người để đưa ông thoát khỏi chốn buồn đau về với cõi tĩnh tại hư không. Giải thoát một kiếp người trần tục.

4. Tâm quán thiên thu – Issa và Lục đạo

Trong cái nhân thế đầy biến đọng này, Phật tính trong mỗi con người có thể phát tích hoặc bị phai mờ đi, cũng bởi chính con người. Chỉ có những trái tim thấm đẫm nhân văn, trái tim quán chiếu muôn đời, trái tim của lòng vị tha bác ái, của Bồ Tát và Đại Phật thì mới hiểu được Phật tính này. Đó là ánh sáng Niết Bàn, hào quang soi chiếu vạn trượng, thẩm thấu tâm hồn chúng sinh. Thơ ca như làn nước tinh khiết gội sạch bụi trần trên mọi nẻo. Là tiếng “Kinh Pháp Hoa” hướng định con người quay về với bản ngã vị tha, quay về cái “nhân chi sơ, tính bổn thiện” của mình. Với Issa, haiku giờ đây không đơn thuần là thơ ca nữa, nó giờ là những câu kệ của Đức Phật, và ông bây giờ đã tâm quán thiên thu. Ở mọi nẻo đường, ở mọi hoàn cảnh Issa thả lòng cảm thương vô độ của mình vào tất cả chúng sinh. Thương người và cũng đang thương chính bản thân. Cái tâm trong ông giờ là tâm Phật, tâm Thiền, cái tâm mang cả vũ trụ vào để hóa giải chúng sanh. Issa như Đạt Ma sư tổ, giờ là người truyền đạo, khơi thông Phật tính con người qua thơ ca. Haiku Issa như chiếc thuyền lục căn thanh tịnh, đưa vạn kiếp sinh linh về cõi Niết Bàn chánh pháp. Và ông đã viết về Lục đạo, như tâm đang quán triệt luân hồi.

Trong Phật giáo, Lục đạo(14) chính là sáu cõi tái sinh: cõi chư tiên, cõi a-tu-la (hay thần linh chống đối), cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục, cõi súc sinh và cõi con người.

Cõi chư tiên, nơi cao quý của thần linh, hạnh phúc nhiều hơn là đau khổ. Tuy nhiên, sự hiện hữu ở đây chỉ là tạm bợ, và ở đây Đức Phật cầm cây đàn lute (gần giống đàn tỳ bà) nhắc nhở họ rằng, một khi nghiệp lành đã cạn thì họ phải rời khỏi nơi này. Ai cũng vậy, cho dù là thần Phật đều có những giá trị chừng mực nhất định. Nghiệp lành cạn, nghiệp ác dâng cao thì buộc phải đi khỏi chốn hạnh phúc này, dấng thâm vào địa ngục khổ đau. Issa thấy cõi chư tiên với một sự hài hước, thế giới hoan hỉ triền miên này rồi có ngày cũng tận, nếu không biết tịnh độ bản thân chư thần. Và ở đây cái hạnh phúc ấy chưa hẳn là giải thoát:

Ngày mù sương
Chư Thiên cũng thấy

đời sao chán chường.

Cõi chư tiên cũng có cả “mù sương”, có cải cái xấu vận hành. Như vậy ngay cả tiên Phật còn không toàn diện tâm lành, thì huống chi những kẻ trần thế đầy ngu mụi. Trong mỗi người luôn mang hai mặt tốt, xấu. Cái tốt có che lấp cái xấu hay cái xấu lấn át cái tốt thì tùy thuộc vào người đó có biết tiết chế những việc sai lầm và phát quang tâm Phật của mình hay không mà thôi.

Cõi A-tu-la nơi cuộc chiến triền miên được gây ra bởi những tham vọng vô biên của tất cả chúng sinh, thường được thể hiện bằng những con người giành nhau trái cây, thức ăn ước vọng trên các bức tranh Phật, nơi đó Đức Phật thân mang giáp chiến binh, tay cần thanh kiếm lấp lánh, nói về hạnh kiềm chế và ra lệnh cho các a-tu-la chấp dứt cuộc chiến ác liệt ấy. Issa thấy, cõi a-tu-la ấy là những kẻ ác thần, luôn tranh giành chiếm đoạt, cướp bóc. Nơi mà xã hội hỗn loạn, con người mất đi giá trị nhân phẩm đạo đức, lừa lọc, gian dối nhau. Và ông nghĩ chúng như những con bạc:

Dưới bóng hoa đào
một bầy đánh bạc
nhao nhao, nhao nhao.

Trong cõi tịnh tâm Phật pháp, cũng như “bóng hoa đào”, là những gì đẹp và tinh hoa nhất. Nơi vẻ đẹp ngự trị và tâm lành tĩnh tại. Nhưng cũng ở chính nơi đó, những con người phàm tục, những a-tu-la ác thần lại làm vướn bẩn chốn thiêng liêng. Chính sự tranh chấp bất phân ấy đã sinh ra những cái xấu xa tội lỗi trong lòng mỗi người. Như “một bầy đánh bạc” bọn người dốt nát đã bán rẻ lương tâm, đua ham sân si, tranh giành những thứ vô hình ảo ảnh mà chúng luôn xem là báu vật. Cho dù có tâm Phật trong người nhưng bất kì ai cũng phải vướn vào A-tu-la ác nghiệt này. Biết đốn ngộ và thoát khỏi cõi ấy mới thật sự hóa kiếp Phật Đà.

Đến cõi ngạ quỷ, nơi mà sự thèm ăn vô độ đã gây ra những đói khát mà chúng sanh phải chịu đựng. Những con người kì dị với cổ họng bị bóp nghẹt và bụng phình to ra, nơi đó Đức Phật cầm lọ thức ăn trời mà ban phát cho lũ quỷ đói, giảng về hạnh đại lượng hi sinh. Ngạ quỷ, con người phải chịu những khổ đau và hành xác. Là thế giới của tham dục, mà không thể thỏa mãn được của loài người. Issa hình dung ra một thế giới ngạ quỷ đầy đói khát, thế giới ngạ quỷ nằm trong con người.

Hoa rơi
nước mà ta khát

hóa mù khơi rồi.

Cái đói khát mà không thể nào thỏa mãn được, như chính cái tham muốn dục vọng của con người. Đó là sự tột độ của ý thức, đến một mức nào đó, đói không vì thiếu ăn, khát không vì thiếu uống, mà đói khát là vì thiếu cái tính người, tính Phật. Cái tham vọng của lũ quỷ đói quá lớn, trong khi khả năng của chúng không đủ để lấy được cái ăn. Nhắc đến công án Thiền: “Ngồi trông cơm rau mà chết đói, ngâm mình trong nước vẫn chết khát” (Huyền Sa), đó là đói khát trong sự thừa thức ăn và thức uống. Trước mắt hiện lên nhưng không thể nào với tới được. Thức ăn đồ uống trở thành ảo giác trước mắt bọn quỷ đói, nước “hóa mù khơi”, bởi những bàn tay không biết trân trọng chạm vào. Cái đói khát kéo dài vô tận, mãi mãi tái diễn mà không thể nào kiềm chế lại được.

Cõi thứ tư là địa ngục, nơi sự thù hận lạnh lùng và sự nóng giận bừng bừng xô đẩy người ta đến vùng đất của cái chết, vùng đất tối tâm nhất của thế giới. Ở đấy, chúng sanh phải chịu các cực hình trong sự đau khổ, nóng rát, lạnh buốt và đầy âm u. Đức Phật lại hiện ra, tay cầm nước (sự nhẫn nhục) và lửa (ánh sáng hi vọng), mà giảng hạnh nhẫn nhục và chỉ ra con đường đến nơi ánh sáng. Với Issa, những số phận bé nhỏ vị vùi dập trong cái địa ngục tàn nhẫn này thì thật là đau khổ, ông khóc than cho số phận ấy:

Trăng soi
một bầy ốc nhỏ

khóc than đáy nồi.

Những con ốc làm cho Issa rơi nước mắt. Chúng phải chịu cảnh nóng bỏng trong nước sôi, cuộc đời ôi quá bi thảm. Thương thay, chúng có biết cất lên tiếng ai oán đâu trong cái địa ngục ghê tởm này. Mấy ai mà hiểu được, họ chỉ biết bỏ ốc vào nồi rồi đun sôi lên, chỉ có Issa mới nghe thấu được tiếng khóc vô thanh của những kiếp đời như vậy. Không một địa ngục nào đáng sợ hơn cái địa ngục trần đời, ở đó con người và vạn vật còn khổ đau hơn cả cái địa ngục của vòng sinh tử.

Cõi thứ năm là súc sinh, chúng chịu sự chế ngự của vô minh, vô cảm, hôn mê, sự hành động theo bản năng và sự bất lực về tinh thần. Do đó mà loài vật phải chịu khổ, bị con người sai khiến, cực nhọc, bị giết hại và xâu xé lẫn nhau. Nơi đây trong vòng sinh tử, Đức Phật cầm cuốn sách Tuệ giác để dạy cho các loài vật về lợi ích của trí tuệ hoàn hảo, lối vào lĩnh vực tri thức và các quy luật của vũ trụ. Issa viết:

Nào biết đâu là
hoa rơi có Pháp
có Phật trong hoa.

Nhận định súc sinh là vô minh và bất tri. Nhưng khi viết về loài vật, Issa lại không hề nghĩ như vậy. Cho dù chúng là hạn thấp kém hơn con người, nhưng trong chúng vẫn mang Phật tính, và vẫn có thể thành một Đại Phật. Không thể đánh giá bóng tối mới vô minh, ngay cả ánh sáng còn vô minh nữa là. Hoa rơi không vì vô minh, hay không vì bất kì một tác động nào, hoa rơi vì trong hoa đang có Phật, hay chăng Phật đang hóa là bông hoa. Hoa nở là lúc hoa giác ngộ, hoa tàn là lúc đạt được Chân Phật, thông tuệ thiền căn để hóa giải kiếp này. Như vậy cõi súc sinh đã được Đức Phật giáo lý, chúng hiểu được Tuệ giác, biết lối quay về Niết Bàn.

Cuối cùng là cõi người, nơi đây sự đâu khổ của con người do ích kỷ, nhỏ nhen, vô minh và ham muốn mà ra. Từ đó, sinh ra cái vòng bất tận sinh, lão, bệnh, tử. Đây là cõi quan trọng nhất,vì là nơi duy nhất trong đó một sinh thể có thể tự điều khiển hành động của mình và chọn lấy con đường hạnh phúc dẫn tới giác ngộ. Đức Phật giảng về hạnh tự chủ và công sức bỏ ra để qua đó con người có thể tìm được con đường giác ngộ chân lý.

Ôi con người
quắt quay len lách

giữa nghìn hoa tươi.

Con người là thực thể đầy phức tạp với tâm tại bất an. Trái ngược với luân lý vũ trụ, con người có thể dịch chuyển càn khôn, tạo ra một thế giới mà tự mình quy định. Khi nhìn hoa tươi đang đua nở thì con người lại len lách, thế giới đang tĩnh lặng thì con người lại xốn xan, muốn hóa thành vạn vật cỏ cây trong khi chúng lại muốn hóa kiếp người. Làm người là một niềm ưu ái của tạo hóa. Nhưng tạo hóa lại trêu đùa kiếp người trong đau, sầu, khổ ải. Vậy người có hạnh phúc chăng? Hay là kiếp đớn đau nhất cõi ta bà? Đó là một cơ hội, nhưng lại mang hai con đường, trầm luân và siêu thoát. Chính con người là kẻ vẽ cuộc đời mình, và Phật tính trong họ là bút mực để tạo nên bức tranh. Vì vậy, trầm luân hay giải thoát là do con người. Phải biết bước trên địa ngục, đội dưới thiên đàng, tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến thì mới chứng ngộ Niết Bàn được.

5. Kết luận

Phật tính là cốt lõi của tâm hồn vạn vật, chứa đựng những triết lý sâu sắc nhất. Vạn vật đều mang Phật tính, nhưng không phải ai cũng có thể giác ngộ và thành trở thành Chân Phật. Thơ haiku của Issa đã kế thừa và phát huy từ các bậc tiền bối đi trước, nhưng nó mang một phong cách rất khác so với haiku của Basho hay Buson, vì nó mang đậm Phật tính. Từ cuộc đời đau khổ, trái tim trần Issa đã hát lên những khúc bi ca đầy thi tính mang cả tình yêu và tình người. Khúc ca như một bài kinh kệ đang ngân lên trong Thiền viện, để nhân thế thấy được giá trị của cuộc đời. Và để cho con người biết đường thoát khỏi vòng trầm luân tội lỗi. Hướng họ đến với ánh hào quang từ cõi Niết Bàn, hướng họ đến gần hơn với Phật tính mà họ đang mang. Để từ đó có thể giác ngộ, mở rộng tình yêu thương đến muôn người, những kiếp đời nhỏ bé, không đua ham sân si. Xem thế nhân là hư vô.

Thế nhân ư
chỉ là hồ điệp
sao mãi chần chừ?

(M.T)

Khép lại những bài thơ haiku của Issa, ta như khép lại quyển nhật kí của cuộc đời vị Bồ Tát, mỗi bài thơ đang tỏa ra hương thơm, tỏa ra ánh sáng triết lý, xóa tan địa ngục u tối. Bởi vì đối với Issa, thơ ca là một cõi Tịnh Độ. Thơ ca hủy diệt địa ngục và sáng tạo Niết Bàn(15).

Lâm Minh Trí

Phat Tinh

(1) Theo Nhật Chiêu, Ba nghìn thế giới thơm, NXB Văn học, 2015, tr.211.

(2) Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục, 2013, tr.283.

(3) Kukai là một thiên tài về thơ ca, hội họa, thư pháp và triết lý, được nhân dân yêu thương và sùng bái.

(4) Trích Thiền, D.T Suzuki (Thích nữ Thuần Bạch dịch, tại http://thuongchieu.net/index.php/phaplu/532-pht-tanh)

(5) Câu kệ được cho là của Bồ đề Đạt Ma, Sư tổ Thiền (Zen) tại Nhật Bản.

(6) Bài thơ trong bức họa của Thiều sư Ch’u-shih fan-ch’i.

(7) Myoe (tức Minh Tuệ, 1173-1232): Nhà sư phái Hoa Nghiêm đầu thời Kamakura. Đoạn trên được trích trong Diễn từ Nobel “Nhật Bản, cái đẹp và tôi” của Kawabata, do Đoàn Tử Huyến dịch từ bản tiếng Nga của T.P. Grigorievich, nguồn: http://klein.zen.ru

(8) Dogen (tức Đạo Nguyên, 1200,1253): Thiền sư đầu thời Kamamura, là tổ sáng lập phái thiền Tào Động (soto zen)Nhật Bản.

(9) Nhật Chiêu, Ba nghìn thế giới thơm, NXB Văn học, 2015, tr.221

(10) Aware (ai) xuất phát ban đầu từ tiếng kêu có tính cảm thán a-hare, dịch nôm na là “ôi chao!”. Vào thời trung đại Nhật Bản, “a-hare” biểu lộ phản ứng của con người trước một vẻ đẹp hay vẻ yêu kiều, qua thời cận đại thì trở thành phản ứng trước sự vật buồn, tiêu sơ hay hoang phế. Được nâng lên thành một phạm trù thẩm mỹ trong văn chương và nghệ thuật thời đại Heian, mono-no-aware (vật ai) dùng để chỉ nỗi xao xuyến trước những bi ai não lòng, vô thường và quyến rũ của cuộc đời. Tiếp nối khái niệm mono-no-aware nhưng thất vọng từ sâu thẩm tâm linh là phạm trù Yugen (u huyền) thời khói lửa chiến chinh Kamakuraa (1192-1333) hàm nghĩa vẻ đẹp thâm thiết và u uẩn của những điều bỏ lửng, cái đẹp nằm sâu trong sự vật chứ không lộ ra bên ngoài.

(11) Theo Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, tr.121

(12) Học giả phái Kokugaku.

(13) Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, tr.7

(14) Vòng luân hồi còn tiếp diễn qua nhiều kiếp, bên trong vòng sinh tử có sáu cõi tái sinh. Tính theo chiều kim đồng hồ.

(15) Ba nghìn thế giới thơm, NXB Văn học, 2015, tr.229

Tài liệu tham khảo

1. John Bowker (chủ biên), Nguyễn Đức Tư (dịch), Các tôn giáo trên thế giới, NXB Văn hóa thông tin, 2003.

2. Nhật Chiêu, Ba nghìn thế giới thơm, NXB Văn học, 2015.

3. Nhật Chiêu, Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục, 2013.

4. Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô, Lịch sử văn học thế giới (tập 2), NXB Văn học, 2012.

5. Kawabata Yasunari, Nhật Bản cái đẹp và tôi (Diễn từ Nobel), Đoàn Tử Huyến (dịch) từ bản tiếng Nga của T.