Khởi nguồn từ xứ sở hoa anh đào từ thế kỷ XVII và phát triển mạnh vào thời kỳ Edo (1603-1868), thơ haiku Nhật đã mất dần sắc thái trào phúng và dần thấm nhuần màu sắc Thiền.

Haiku âm theo lối chữ Kanji (gốc chữ Nho) là “bài cú” hay “hài cú”, có nghĩa là câu nói để trình bày. Chữ “hai” nghĩa là “bài”, trong tiếng Hán Việt có nghĩa “phường tuồng”, chữ “ku” là “cú” hay “câu”.

Lúc đầu thơ haiku được Basho gọi là “phát cú” (hokku) là thơ khởi xướng, vì nó nguyên là thơ khởi xướng của một bài “liên ca” (renga) bắt nguồn từ các “đoản ca” (tanka)… Sau đó một phần của bài thơ này tách ra độc lập và tồn tại một thời gian dài không có tên gọi chính thức, đến khi nhà thơ Shiki (1867-1902) gọi đó là thơ haiku vào những năm cuối thế kỷ XIX rồi nó tồn tại cho đến ngày nay.

Matsuo Basho, thi sĩ thiền sư xuất chúng đã được công nhận là người khai sinh thể thơ này và sau đó Issa, Yosa Buson, Masaoka Shiki gia công hoàn thiện.

Từ lâu thơ haiku đã được lan truyền, du nhập sang rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước Hồi giáo. Với hơn 400 trăm năm song hành cùng đời sống văn hoá Nhật, thơ haiku được ghi nhận là loại thơ độc đáo, rất thịnh hành của Nhật Bản và là thể thơ ngắn nhất thế giới. Thông thường, theo kết cấu hư không, thơ haiku Nhật chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu theo cấu trúc 5+7+5, có khi chỉ vài ba từ ít ỏi, ba câu trong cú pháp haiku cũng thường được viết thành một dòng, không chấm câu, không tựa đề.

Nội dung thơ haiku có luật cơ bản: không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm tiết ngắn ngủi nên thơ haiku thường chỉ diển tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc. Nội dung thơ haiku thường hướng về thiên nhiên bốn mùa. Tuy nhiên, dù rất ngắn ngủi, thơ haiku vẫn có thể chứa đựng cả “ba nghìn thế giới”, cả vũ trụ bao la.

Do đặc điểm rất ngắn, thơ Haiku được nhiều nước trên thế giới đón nhận như là một thể thơ giúp người sáng tác có thể diễn đạt những cảm xúc, những tâm tình, những ý tưởng một cách cô đọng, súc tích nhất, có nghĩa là người sáng tác haiku có thể diễn đạt nhiều ý nghĩa trong một số lượng tối thiểu ngôn từ. Đó là một thể thơ mà khi chạm vào nó, ta như chạm vào một sự quan sát, một sự chiêm nghiệm, một sự lắng sâu, một sự liên tưởng và đây quả là một thể thơ của trí tuệ.

Theo quy ước, một bài haiku Nhật luôn chịu sự chi phối của hai nguyên lí tối thiểu: đó là Mùa và Tính tương quan hai hình ảnh: một hình ảnh trừu tượng sống động và linh họat, một hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn.

Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)
một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)
khóc than đáy nồi. (nơi chốn cụ thể)

Thơ haiku có xu hướng gợi ý hay ám chỉ bóng gió nhẹ nhàng. Thơ haiku Nhật rất chú trọng diễn đạt một cái “tứ”. Bài haiku hay phải là bài có một cái tứ thơ mới lạ, hàm súc, nhiều chất suy tư, liên tưởng.

Do thuở trước, người Nhật sống rất gần gũi với thiên nhiên nên cảm thức của họ rất nhạy cảm với từng bước chân của thời gian. Vì thế trong thơ haiku bắt buộc phải có quý ngữ (Kigo), nghĩa là từ miêu tả mùa một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Quý ngữ trực tiếp như dùng các từ gọi tên các mùa: xuân, hạ, thu, đông.

Dưới cơn mưa hạ hạnh phúc nào bằng đối diện vầng trăng. (Matsuo Basho)

Con quạ
đậu trên bức tường

đất trong mưa xuân.
(Shiki)

Vầng trăng mùa đông
ngôi chùa không cổng
trời cao vô cùng.
(Yosa Buson)

Quý ngữ gián tiếp là không dùng các từ xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ chỉ sự vật, hiện tượng đặc trưng của các mùa.

Mùa xuân (từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch) hiện lên với những hình ảnh tuyết tan, hoa anh đào, hoa mơ, hoa mận, lan tím, hải đường, lê, tử đằng, đào, liễu, hồng vàng, ngải cứu, cây đuôi chồn, con ếch, con ong, con tằm, chim oanh, chim yến, chim hồng tước, chim chiền chiện, chim cú, chim sơn ca, chim choi choi, từng đàn chim ngỗng, bướm bay về theo tiếng gọi của không khí ấm dần. Mùa xuân còn biểu hiện bởi con diều, trăng mờ sương, tuyết tan, sương lam, vỡ ruộng, ngắt lá chè, bánh nếp bọc lá…

Cảnh mùa hè (tháng tư đến tháng sáu âm lịch) biểu trưng bằng mặt trời, hoa diên vĩ, hoa xương bồ, hoa sơn chi, sen, kim tước chi, mẫu đơn, hoa lưu ly; chim quyên, chim bói cá, gà nước, cò, cuốc, đom đóm, kiến, muỗi, cá hương, ve, cá vàng; tiếng suối, tiếng ve, tiếng muỗi, tiếng quạt, tiếng gió; sấm, mống trời, mưa rào; áo mát, mùng; đêm vắn, đầu mưa mùa hè, cái nóng, kề thu; gặt lúa mạch, cấy lúa…

Mùa thu (tháng bảy đến tháng chín âm lịch) hiển hiện với đêm thanh vắng, trời vằng vặc trăng sao, lá vàng rơi rụng, bóng nai vàng ngơ ngác, hoa đinh hương, hoa bìm bìm, hoa cúc, quả hồng, lau già, lau sậy, chuối, lá phong, dế, quạ, chim cút, ngỗng trời, chim cát, hải âu, gà gô, chuồn chuồn; đêm lạnh, hơi nóng còn sót, trung thu; song ngân, chớp nháng, sương thu, tiếng thu; thất tịch, chày, ngắm trăng, tảo mộ, được mùa…

Mùa đông lạnh lẽo (tháng mười đến tháng chạp âm lịch) được gợi lên qua hình ảnh giá rét, tuyết rơi, ánh lửa bập bùng trong lò sưởi, những cánh đồng hoang, những chú gấu đen trong rừng thông trắng tuyết, tầm gửi, lá rụng, hành, thuỷ tiên, sơn trà, củ cải trắng; vịt trời, chim óc cau, hạc, thỏ, sò, một loại chim cú; lập đông, cuối năm, trừ tịch; đồng khô lá, sương giá, lửa ma trơi, tuyết đầu mùa; tất, ho, nệm, đốt than, quét bồ hóng v.v.

Trong cơn giá rét
lê mãi bước chân

nẻo đường Shinano.
(Kobayashi Issa)

Ao cũ
con ếch nhảy vào
tiếng nước.
(Basho)

Còn có những bài thơ mà quý ngữ rất khó nhận biết do có nhiều tầng nghĩa, có ẩn ý rất thâm trầm, sâu lắng.

Như thơ của Nakahara Michio:

Cá trắng
tĩnh lược
từ bầy cá.
(Nakahara Michio, 1951-)

Ngày nay, thơ haiku thoáng hơn nhiều, không gò bó số chữ trong mỗi câu (tổng cộng trên dưới 17 âm hay chữ), có thể chấm câu tuỳ tiện (không cần phải ở cuối câu), không cần đặt tựa, không bắt buộc phải có từ của mùa. Chỉ giữ lại hình thức 3 câu, và được đưa vào những từ ngữ chải chuốt, những ẩn dụ làm cho câu thơ dễ chạm vào trái tim người đọc hơn.

Th.S ĐINH XUÂN HẢO