Bài viết này được gợi ra từ nhu cầu và thực tế của việc dạy và học thơ haiku – thể thơ xuất xứ từ Nhật Bản, cho sinh viên thuộc khối ngành Khoa học xã hội và Nhân văn, đặc biệt là ngành Sư Phạm Ngữ Văn ở các trường Đại học trong cả nước. Từ kinh nghiệm giảng dạy thơ haiku nói riêng và văn học Nhật Bản nói chung ở khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, chúng tôi xin nêu ra một số suy nghĩ về việc giảng dạy thơ haiku ở bậc Đại học hiện nay, nhằm cung cấp một góc nhìn về thơ haiku và vai trò của nó đối với sinh viên ở trường Đại học.

1. Dạy thơ haiku nhìn từ yêu cầu nội dung chương trình ngữ văn bậc Trung học phổ thông

Yêu cầu quan trọng đối với chương trình giảng dạy của khoa Văn các trường Đại học Sư phạm trong cả nước là làm thế nào để cung cấp những kiến thức cơ bản, thiết thực và phù hợp cho các em sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn – những người sẽ trở thành giáo viên Văn ở các trường Trung học Phổ thông (THPT) trong tương lai. Vì vậy, nội dung lựa chọn giảng dạy ở bậc Đại học cần theo sát và hướng về phục vụ nội dung của chương trình Ngữ văn cấp học này. Bộ môn văn học Nhật Bản nói riêng, văn học Nước ngoài nói chung có nội dung được chọn lựa giảng dạy ở chương trình Ngữ Văn THPT là thơ haiku. (Sách giáo khoa Ngữ văn 10, Tập Một, NXB Giáo Dục, Tr.155/ Bài “Thơ Hai-cư của Ba- sô”) Nhưng trên thực tế, phần nội dung này, một là bị các thầy cô giáo ở THPT bỏ qua không dạy; hai là nếu có dạy thì cũng chỉ thoáng qua, không đạt được hiệu quả, học sinh cũng không đọng lại gì sau khi học. Đây là một điều đáng tiếc và cũng là một trong những thiếu sót, bất cập của việc dạy – học Văn ở các trường THPT hiện nay. Lí do nào dẫn tới tình trạng như vậy? Tại sao một thể thơ hay, giàu giá trị nghệ thuật, xứng đáng để tìm hiểu và vận dụng sáng tác nhưng lại bị coi nhẹ, kể cả với những giáo viên văn – người có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy thơ haiku? Theo chúng tôi có lẽ xuất phát từ hai lý do chính:

+ Thời lượng chương trình giảng dạy: chúng ta biết rằng chương trình Ngữ văn ở bậc THPT quá nặng về dung lượng kiến thức nên giáo viên không thể có đủ thời gian bao quát hết chương trình. Một số giáo viên thừa nhận rằng không chỉ riêng thơ haiku mà họ còn phải chấp nhận bỏ những kiến thức khác, chỉ để tập trung vào các nội dung chính, phục vụ cho việc kiểm tra, thi của học sinh.

+ Haiku là thể thơ không phải dễ tiếp cận: Rất nhiều giáo viên THPT, thậm chí những người đã có kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp cũng thừa nhận vấn đề này. Đối với họ, haiku là thể thơ không phải dễ hiểu và dễ tiếp cận. Bản thân các thầy cô giáo còn chưa hiểu hết, chưa thật sự yêu thích thơ haiku thì khó có thể giúp học sinh của mình lĩnh hội được. Những lý do trên rất cụ thể, vừa khách quan, vừa chủ quan đã và đang tồn tại trong thực tế các trường THPT hiện nay ở Việt Nam. Haiku là thể thơ giàu giá trị nghệ thuật và có tính giáo dục cao, có thể đáp ứng được những yêu cầu của tinh thần giáo dục hiện đại; mặt khác, haiku hiện nay cũng trở thành một thể thơ quốc tế (World Haiku), được giảng dạy và sáng tác ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, vậy tại sao chúng ta lại coi nhẹ thể thơ này? Một thực tế khác là thơ Đường (thể thơ của Trung Quốc, có ở nước ta từ sớm) gần như đã không còn được sáng tác vì không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, thì haiku Nhật Bản chính là sự thay thế kịp thời và cần thiết, phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại. Đổi mới tư duy giảng dạy và học tập không cách nào khác là nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ sinh viên ngành Sư phạm hiện tại, những thầy cô giáo dạy Văn tương lai, giúp cho họ vừa có một lượng kiến thức khoa học, cơ bản vừa đủ bản lĩnh và tình yêu nghề nghiệp để có thể đứng lớp vững vàng sau khi tốt nghiệp. Như vậy mới có thể hy vọng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được sự phát triển và hội nhập của đất nước trong tình hình mới. Giảng dạy thơ haiku ở bậc Đại học, cần nhìn thấy được những mục tiêu và yêu cầu ấy.

2. Dạy thơ haiku nhìn từ quan điểm giáo dục con người trong thời đại mới

Thực tế hiện nay ở nước ta là chất lượng giáo dục ở các cấp Mầm non, Tiểu học đã và đang bộc lộ quá nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu xã hội trong thời đại mới. Một cái cây, nếu rễ, thân không vững thì cây cũng không thể cho hoa thơm trái ngọt. Thế hệ trẻ nước ta hiện nay có nhiều biểu hiện suy thoái, xuống cấp về mặt phẩm chất. Trong khi ở các nước láng giềng: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… giới trẻ được thừa hưởng một môi trường giáo dục tiên tiến nên có điều kiện phát triển tốt không chỉ về mặt kiến thức mà còn về kỹ năng sống. Từ đó tạo ra những thế hệ kế cận trong tương lai. Nhìn vào tình hình giáo dục, sự loay hoay đổi mới suốt những năm qua ở Việt Nam, chúng ta không khỏi chạnh lòng vì thực trạng trước mắt. Trong khi chúng ta ra sức kêu gọi đổi mới phương pháp, cách thức nhằm nâng cao chất lượng, thì hàng năm, vẫn có hàng triệu sinh viên, học sinh đi du học tự túc sang các nước phát triển khác (xu hướng này ngày càng gia tăng). Và tất nhiên, số trở về phục vụ đất nước không được bao nhiêu. Hiện tượng “chảy máu chất xám” vẫn luôn là chuyện rất đáng lo ngại ở nước ta. Số còn lại trong nước thì sao? Nhiều gia đình, cha mẹ có nhận thức, hiểu biết nhưng không muốn hoặc không có khả năng cho con ra nước ngoài học, họ sẽ tìm cách tự đào tạo, hướng con mình theo những con đường mà họ cho là đúng đắn và hợp lý. Nghĩa là họ cũng không hoàn toàn đặt niềm tin vào bức tranh giáo dục ở nhà trường Việt Nam hiện nay. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn theo đuổi ba mục tiêu giáo dục cơ bản: “CHÂN THIỆN MỸ”. Nhưng thực tế giáo dục Việt Nam từ trước đến nay không thực sự coi trọng yếu tố “Mỹ”. Thể lực và mỹ cảm của học sinh, sinh viên Việt Nam có thể nói là kém so với các nước khác bởi chúng ta không chú trọng phát triển toàn diện năng lực con người. Theo chúng tôi, chúng ta cần chú trọng hơn việc xây dựng nền giáo dục hướng về cái Mỹ. Đánh thức tình yêu cái Đẹp, khơi dậy khuynh hướng hướng Mỹ ở trẻ là việc làm cần thiết. Tình yêu cái Đẹp là tình yêu tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu nội tại của bản thân người được giáo dục. Cũng như trong mọi đứa trẻ đều có khuynh hướng hướng Thiện bẩm sinh vậy. Giáo dục Mầm non, Tiểu học ở các nước tiên tiến, bên cạnh việc dạy kiến thức, ta thấy họ rất chú trọng việc giáo dục thẩm mỹ cho trẻ bằng cách dạy âm nhạc, hội họa…, nhằm phát huy năng lực tiềm ẩn, năng khiếu bẩm sinh. Quan trọng nhất là tạo cho trẻ một môi trường vừa học vừa chơi, chan hòa với thiên nhiên, một môi trường thật sự thoải mái để trẻ có thể tự tin thể hiện hết khả năng của mình. Những điều này thật quan trọng vì nó chính là nền tảng hình thành nên kỹ năng và định hình nhân cách sống sau này của trẻ khi chúng học lên những cấp cao hơn. Một đứa trẻ biết xúc động trước cái Đẹp, bản thân điều đó đã chứa đựng ý niệm Thiện và Chân. Những đứa trẻ yêu cái Đẹp và có khuynh hướng sáng tạo cái Đẹp sẽ khó làm điều xấu, điều ác. Những đứa trẻ biết nâng niu, quý trọng một bông hoa, chiếc lá hay một con vật nhỏ bé, hiền lành… sẽ khó có thể làm tổn thương đến đồng loại của mình. Nếu quan sát và tìm hiểu, hiện nay, hầu hết các nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn trên thế giới, được nhiều người kính trọng như Đạt Lai Lạt Ma hay Thích Nhất Hạnh… đều cố gắng kêu gọi con người đi theo con đường “hoàn thiện tâm linh”, và “tu dưỡng tinh thần” ấy: “Hạnh phúc là được là chính mình. Bạn không cần phải được thừa nhận bởi người khác. Bạn cần phải chấp nhận chính mình”. (Thích Nhất Hạnh) (“To be beautiful means to be yourself. You don’t need to be accepted by others. You need to accept yourself”.) “Chúng ta không bao giờ đạt được hòa bình thế giới cho đến khi chúng ta thực sự hòa bình trong chính mình” (Đạt Lai Lạt Ma) (“We can never obtain peace in outer world until we make peace with ourselves”) Tư tưởng giáo dục nhằm đánh thức nhu cầu khám phá nội tại, đánh thức trực giác và cảm xúc của con người, giúp con người hoàn thiện bản ngã, tâm linh và từ đó có thể an trụ trong chính tâm hồn mình giữa một thế giới vật chất hỗn độn, xô bồ mới chính là mục tiêu quan trọng, cần được suy nghĩ và theo đuổi trong thời đại ngày nay. Vậy, nhiệm vụ của giáo dục là làm sao giúp con người giữ được cái Tâm nguyên sơ; thuần hậu; làm sao để con người có được niềm tin, hiểu và tôn trọng giá trị cốt lõi của cuộc sống; đánh thức sức mạnh bên trong… để có thể “tĩnh” trong một xã hội đầy vọng động, xô bồ, với vô số những giá trị ảo như hiện nay. Nếu nhìn từ thực tế như vậy, chúng ta sẽ thấy thơ haiku, với bản chất là thể thơ Thiền (chứa đựng nhiều tư tưởng Thiền tông) là một trong những loại hình nghệ thuật có khả năng mang con người đến gần hơn với cái Đẹp tự nhiên, giản dị trong đời sống; đến gần hơn với tư tưởng giáo dục đậm tính nhân bản, nhân văn vừa nêu. Sau đây, chúng tôi xin nêu ra một số phương diện được coi là những ưu điểm, có “tính công phá” của thơ haiku đối với quá trình tác động vào nhận thức, tâm hồn con người, nhất là với học sinh, sinh viên – đối tượng được tiếp xúc với thơ haiku:

2.1. Haiku – thế giới của sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên

Tại Nhật, thơ haiku (俳句) là thơ dành cho thiên nhiên, bốn mùa. Nếu muốn nói về tình yêu, người Nhật có thể thơ khác là thơ tanka hay còn gọi là waka (和歌); còn để trào phúng, họ làm thơ senryu (川柳). Điều này cho thấy tính chuyên môn hóa cao trong nội bộ nền thi ca Nhật Bản. Haiku khi rời khỏi biên giới Nhật, xâm nhập vào các nền văn hóa khác, dù có bị dung hợp bởi ngôn ngữ và văn hóa bản xứ thì vẫn giữ được tinh thần coi trọng thiên nhiên, lấy thiên nhiên là đối tượng sáng tác và là đề tài chủ đạo của thơ. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Một quy tắc làm thơ mà bất kỳ haijin (俳人) nào cũng phải nắm đó là quy tắc sử dụng quý ngữ (季語). Nếu một bài haiku không có quý ngữ trực tiếp hoặc gián tiếp, xem như haijin ấy là người chưa nắm được thi luật. Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu,“haiku không phải là thơ quý tộc, có thể nói haiku mang dáng dấp người nhà nghèo, chỉ giàu sang cái sang giàu của thiên nhiên, cái sang giàu mà ngay cả người ăn xin cũng có thể có”. Có thể ví haiku như một cô gái mang vẻ đẹp giản dị, nhỏ nhắn, không cầu kỳ trang sức nhưng lại quyến rũ người đời bằng chính vẻ hồn nhiên, thuần khiết của tâm hồn. Như vậy, haiku trong bản chất sâu xa là thể thơ có thể mang con người đến gần thiên nhiên, tạo ra sự hòa hợp giữa con người (tiểu ngã) và vũ trụ (đại ngã). Một thực tế là khi đời sống ngày càng “văn minh”, hiện đại với công nghệ số bao phủ, chi phối mọi mặt như hiện nay, thì con người và thiên nhiên ngày càng trở nên xa cách. Con người đã tách khỏi “bà mẹ vĩ đại” của mình một cách vô thức (hay hữu thức) để trở thành những kẻ thờ ơ với thiên nhiên, thậm chí còn quay lại hủy họai môi trường thiên nhiên, chỉ để phát triển họat động kinh tế, sản xuất vật chất của mình. Đó là sai lầm lớn nhất và con người đang trả giá cho sự lựa chọn điên rồ ấy. Thơ haiku mang đến nhận thức rõ ràng về vai trò, tầm quan trọng của thiên nhiên cho những người đi vào thế giới của nó. Qua việc tìm hiểu và sáng tác những bài thơ nhỏ bé như hạt cát, như bông hoa, như giọt sương, chiếc lá, cái kiến, con sâu… con người trở nên gần gũi, yêu mến thiên nhiên, môi trường xung quanh mình, từ đó có ý thức hơn về sự tồn tại của thiên nhiên. Một bông hoa cũng có đời sống và linh hồn riêng của nó. Hẳn là như vậy. Chỉ là vì chúng ta không biết và không thể tương thông với linh hồn vũ trụ ấy mà thôi. “Cả vũ trụ có thể hòa ca qua âm thanh của một bông hoa dại” (Thích Nhất Hạnh) (“The entire cosmos can sing to us with the voice of a wild flower”). Đi vào haiku, con người sẽ cảm nhận được hơi thở, sự sống của những sinh thể dù là nhỏ nhoi, vô danh, nhưng đều có vị trí, giá trị riêng trong vũ trụ rộng lớn này. Cũng như thế giới con người, mỗi người dù có nhỏ bé đến đâu, dù ở hoàn cảnh, địa vị nào cũng đều có phẩm giá riêng của mình. Không ai có quyền phủ nhận, tước đoạt điều đó. Khi Basho viết: “Bên bờ Sumida / Chú chuột kia uống nước / Mưa mùa xuân pha” (Nhật Chiêu dịch), nghĩa là thi nhân đang lắng nghe và dõi theo cử động nơi chiếc lưỡi nhỏ xíu của chú chuột đang liếm từng chút nước sông hòa lẫn trong làn mưa xuân nhẹ kia. Sự sống chẳng phải nằm trong hình ảnh rất đỗi bình dị ấy sao? Hay khi nhà thơ Shiki cảm thấy “bồi hồi” vì tiếng rơi lặng lẽ của một bông hoa lúc đêm tàn: “Bồi hồi / Nửa đêm vang tiếng / Hoa tịch nhan rơi” (Nhật Chiêu dịch), ấy cũng là lúc ông hướng tâm mình vào thiên nhiên, lắng nghe hơi thở phập phồng của vũ trụ, của đất trời vậy. Không chỉ mang đến sự nhận thức về giá trị của thiên nhiên cho con người mà haiku còn có thể cảm hóa tâm hồn con người, giúp con người tìm thấy sức mạnh, tìm thấy sự bình an trong tự tại của mình. Điều có ý nghĩa trong cuộc sống vô thường này là việc ta có thể tìm thấy được niềm vui sống từ những điều bình dị, nhỏ nhặt hàng ngày hay không. Một khi con người biết yêu quý những điều bé nhỏ, biết trân trọng và ý thức được sự “bình đẳng”, “vô sai biệt” trong tồn tại của vạn vật (trong đó có con người), sẽ ngăn chặn những tham vọng lớn có nguy cơ hủy diệt thế giới, hủy diệt chính con người đang ngấm ngầm diễn ra khắp nơi như hiện nay.

2.2 Haiku – thế giới của trí tưởng tượng phong phú

Như chúng ta đã biết, haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới hiện nay (chỉ 17 âm tiết tính theo tiếng Nhật). Vì sự cực hạn về mặt ngôn ngữ này mà haiku đòi hỏi phải có cách truyền đạt thông điệp riêng. Đó là việc vận dụng hình ảnh mang tính biểu tượng; những hình ảnh có tính tượng trưng cao. Do đó, để thâm nhập vào thế giới haiku, không còn cách nào khác là người học phải huy động toàn bộ khả năng tưởng tượng của mình dựa vào những “cột mốc chỉ đường” trên văn bản haiku. Đây vừa là điểm độc đáo, tạo ra sự hấp dẫn, thú vị riêng của thơ haiku; đồng thời cũng là điều khiến haiku khó đến với nhiều người – nhất là những người ít có thói quen tưởng tượng mà chỉ thích ăn những “món” được bày biện sẵn trước mắt. Trong quá trình dạy haiku, chúng tôi đã thử phỏng vấn sinh viên khi tiếp xúc với thơ haiku lần đầu. Có em rất thẳng thắn phát biểu rằng: “Em thấy haiku là thể thơ “vớ vẩn”, không thể coi là thơ nghệ thuật được. Vì nó bí hiểm, đọc xong em chẳng hiểu gì ngoài những hình ảnh không liên quan gì đến nhau”. Khi được hỏi rằng: “Em có thói quen tưởng tượng khi suy nghĩ về một vấn đề nào đó không?” thì em ấy thú nhận là “Không”. Phản ứng, suy nghĩ của em sinh viên 19 tuổi ấy hết sức bình thường, có rất nhiều em cũng rơi vào tình trạng như vậy. Với một nền giáo dục mà từ nhỏ các em đã ít được khuyến khích sáng tạo và tưởng tượng, thậm chí nếu có tưởng tượng và nói ra suy nghĩ riêng, có vẻ “điên rồ” của mình thì các em có khi cũng bị “chỉnh” ngay, để rồi lại phải quay về với những nếp nghĩ rập khuôn như người lớn. Thế mới hiểu vì sao có hàng trăm em học sinh tiểu học thì cũng có hàng trăm bài văn tả bà nội nhưng lại theo cùng một kiểu như nhau. Nhiều người vẫn tin cho rằng haiku là thể thơ rất khó, chỉ nên dành cho tầng lớp trí thức cao cấp trong xã hội, đặc biệt là những thiền sư kiến thức Thiền học uyên bác, người thường không dễ tiếp cận được. Rồi từ đó dẫn đến sự phân biệt, đối xử trong việc tiếp nhận, sáng tác thơ haiku. Ở một mức độ nào đó, suy nghĩ như vậy thể hiện việc không hiểu trúng tinh thần cơ bản của thơ haiku, nếu xét từ đặc tính “tưởng tượng” này. Ta hãy thử đặt ra vấn đề: người lớn và trẻ con, ai là người hay tưởng tượng và có sự tưởng tượng phong phú, độc đáo hơn? Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đồng ý rằng con trẻ sẽ tưởng tượng giỏi hơn người lớn. Người lớn đã lấp vào khoảng trống trong não bộ của mình quá nhiều thứ, thậm chí là những “định kiến” khó có thể thay đổi. Trong khi đó trẻ con như tờ giấy trắng, chưa bị viết lên điều gì, trí tưởng tượng của chúng sẽ thỏa sức phát huy trong quá trình khám phá thế giới ở giai đoạn đầu bỡ ngỡ, tinh khôi. Vậy thì tại sao haiku không thể dành cho trẻ em và cho người trẻ tuổi có ít kinh nghiệm sống, ít kiến thức hơn người trưởng thành? Mặc khác, như đã nói, haiku vốn là thể thơ mang con người lại gần hơn với thể tính nguyên sơ, điều mà chúng ta đang ngày một xa dần và đánh mất trong đời sống hiện đại. Dù là thiền sư, cả cuộc đời tu hành khổ hạnh thì mục đích cuối cùng cũng là để được là chính mình, để có được một cái nhìn vô sai biệt, không định kiến đối với con người, cuộc đời. Nói cách khác, đó là việc làm sao để mài giũa một “cái nhìn trẻ thơ”, vô tư, hồn nhiên nhất. Vì vậy, haiku quả là thể thơ phù hợp cho việc giáo dục tình cảm, thẩm mỹ và khuyến khích khả năng tưởng tượng ở học sinh, sinh viên. Theo chúng tôi được biết, ở Việt Nam hiện nay xuất hiện một bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồn (Hà Nội) do nhà giáo Phạm Toàn chủ biên, nhóm tác giả này đã đưa thơ haiku vào giảng dạy cho học sinh lớp 2 ở bài “Tưởng tượng”. Thiết nghĩ đây là tín hiệu đáng mừng, đáng quý trên bước đường đổi mới phương pháp, tư duy về giáo dục ở Việt Nam.

2.3 Haiku – thế giới của trực giác tâm linh

Haiku được coi là thơ của khoảnh khắc hiện tại. Bởi đó là những câu thơ (hay câu nói rất tự nhiên) được thốt ra từ những ý tưởng tức thời, nảy sinh từ một tình huống, hoàn cảnh ở hiện tại, khi mà thi nhân trực tiếp chứng kiến những gì đang diễn ra trước mắt. Những khoảnh khắc muôn hình vạn trạng của đời sống vẫn luôn xảy ra từng khắc từng giờ xung quanh ta, nhưng ít khi ta để ý vì cứ mãi lo những “đại sự” của mình. Chỉ cần ta dừng lại ngắm nhìn một cánh bướm đang đậu trên hoa, cảm nhận một bông hoa đang dâng hương lặng lẽ trong chiều, hay ngắm nhìn một hạt bụi vàng lấp lánh đang rong chơi giữa ánh sáng cuối ngày…, để tâm hồn giao hòa cùng khoảnh khắc hiện tồn, ta sẽ cảm nhận được niềm vui sống an yên, nhẹ nhàng len lỏi. Khi trái tim ta cảm thấy xúc động trước đời sống, ngôn ngữ được gọi về thì cảm xúc cũng sẽ được hiện thực hóa, cụ thể hóa và vĩnh cửu hóa bằng thơ haiku. Nói cách khác, những bài thơ nhỏ nhắn được làm trong khoảnh khắc tức thời ấy chính là khi tâm linh của chúng ta đã “đốn ngộ” một chân lý của đời sống. Dù chân lý ấy, có khi sẽ “chẳng là gì” và cũng không có ý nghĩa gì nhiều trong mắt tha nhân. Nhưng quan trọng, đó là niềm vui khởi sinh từ chính ta, là khoảnh khắc ta được là mình, được trở về với bản ngã đích thực của mình. Trong thơ haiku Nhật Bản, rất nhiều những bài thơ đã thể hiện khoảnh khắc “đốn ngộ” như vậy: “Đất khách mười mùa sương / Về thăm quê ngoảnh lại / Edo – là cố hương” (Nhật Chiêu dịch). Người ta thường so sánh bài thơ trên của Basho với Độ Tang Càn của Giả Đảo ở khoảnh khắc hai thi nhân nhận chân một chân lý đời sống: tâm thức ly hương. Sống ở Edo mười năm nhưng chỉ đến khi sắp phải rời xa nó, khi quay gót nhìn lại nó lần cuối cùng trước khi từ giã, Basho mới “giật mình” nhận ra Edo, mảnh đất khách ấy đã trở thành “cố hương” của ông tự bao giờ. Thơ haiku Việt cũng có những khoảnh khắc đốn ngộ thú vị như vậy, dù cho đó là sáng tác của những nhà thơ rất trẻ chỉ mới ở độ tuổi 8X, 9X, chẳng hạn như bài thơ của Thùy Nhung:

“Mũ tuyết trên đầu / Phật cũng như tôi / Lữ khách mà thôi”

Hay Thanh Tùng, nhà thơ – nhà thư pháp trẻ hiện sống và viết tại Hà Nội:

“Bên cửa sổ / Ánh trăng / Lời khai thị”… Tất cả những khoảnh khắc bất ngờ, thú vị được phát hiện khi ta nhìn sâu vào đời sống, nếu không xuất phát từ một trực giác nhạy cảm, tinh tế, luôn quan sát và nắm bắt trọn vẹn những khoảnh khắc của hiện hữu, làm sao có thể có? Trực giác tâm linh là yếu tố bẩm sinh (có người sinh ra đã mang sẵn trực giác bén nhạy) nhưng nó cũng có thể được rèn luyện, mài giũa. Nó cũng là một dạng của “tâm hồn” vậy. Mà tâm hồn là thứ con người có thể làm cho sáng đẹp hơn, cũng có thể làm cho nó xấu xí, mờ dần đi. Khi chúng ta tích cực quan sát đời sống, tích cực tưởng tượng và tích cực dùng năng lực ngôn ngữ để hữu hình hóa những tư tưởng, cảm xúc của mình, thì năng lực, trực giác tâm linh cũng sẽ dần trở nên tinh nhạy. Khi trực giác con người có thể như ánh chớp, thấu thị được bản chất của sự vật trong đời sống, bản ngã cũng sẽ được đánh thức và con người có thể làm sống dậy đời sống tâm linh vô cùng phong phú, kỳ diệu của mình. Từ đó, khả năng tương cảm, tương giao giữa người với người, giữa con người và vũ trụ càng được nâng cao.

3. Dạy thơ haiku nhìn từ phương pháp giảng dạy

Việc giảng dạy thơ haiku phải tùy theo đối tượng tiếp nhận mà nghiên cứu, lựa chọn phương pháp khác nhau, không thể cào bằng mọi lứa tuổi. Với học sinh Tiểu học, Trung Học Cơ Sở, Trung Học Phổ Thông sẽ có cách dạy khác; với sinh viên Đại học, những em đã có trình độ nhận thức và kinh nghiệm khá sẽ có phương pháp khác. Trong những năm qua, từ thực tế và kinh nghiệm giảng dạy của mình, chúng tôi xin nêu ra một số phương pháp giảng dạy haiku cho sinh viên bậc Đại học như sau:

3.1 Dạy haiku theo loại hình văn học

Haiku là thể thơ nằm trong loại hình thơ ca Phương Đông. Vì vậy, bên cạnh những điểm độc đáo riêng biệt thể hiện nét tư duy độc đáo, cá tính sáng tạo riêng của người Nhật, nó vẫn có những nét chung, khái quát của thơ ca phương Đông với những điểm nổi bật: ý tại ngôn ngoại; tính triết lí, hàm súc,… Vì vậy, khi giảng dạy thơ haiku cần đặt nó trong hệ thống loại hình thi ca phương Đông, cùng với thơ Đường Trung Quốc, thơ Lý Trần Việt Nam…, để chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt. Từ đó cho học sinh có cái nhìn vừa khái quát vừa cụ thể về thể thơ này. Theo chúng tôi cần so sánh làm rõ sự giống và khác nhau ở các phương diện: đề tài, thi luật, cảm thức thẩm mỹ, tính triết lí, bản chất và cách thức của sự “đốn ngộ”… trong các thể thơ trên. Để đáp ứng được yêu cầu này, giảng viên cần có kiến thức bao quát về thi ca, văn học, văn hóa phương Đông. Sinh viên khi được học haiku trong cái nhìn có tính hệ thống như vậy vừa có thể xâu chuỗi những kiến thức đã học (về thơ Đường, thơ Lý Trần) vừa có thể tìm ra cái mới, thú vị trong bài giảng haiku.

3.2. Dạy lý thuyết kết hợp với thực hành sáng tác và bình thơ haiku

Về lý thuyết: Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu, tìm hiểu và giảng giải những kiến thức cơ bản liên quan đến thơ haiku, nhằm giúp các em có cơ sở tiếp cận thơ haiku ở một tầm cao về kiến thức khoa học liên ngành. Những nội dung lý thuyết ấy có thể hướng đến các mảng sau: + Kiến thức về văn hóa, tư tưởng, văn học… Nhật Bản qua các thời kỳ. + Kiến thức về Phật Giáo, đặc biệt là Phật giáo Thiền tông Nhật Bản. + Kiến thức về mỹ học Nhật Bản với hệ cảm thức thẩm mỹ độc đáo mà người Nhật đã sáng tạo và phát triển qua các thời kỳ (aware, sabi, wabi, yugen, karumi…) + Kiến thức về đặc điểm thể thơ haiku (truyền thống) ở Nhật Bản: đề tài, nguyên lý cơ bản, các nhà thơ lớn với phong cách khác nhau… qua từng thời kỳ haiku từ truyền thống đến hiện đại…

Về thực hành: Khuyến khích sinh viên thực hành sáng tác haiku sau khi đã được tiếp cận hệ thống kiến thức được học cũng là phương pháp hữu ích, đắc dụng. Không có con đường nào ngắn hơn để hiểu được quá trình sáng tác của nhà thơ nếu không phải là việc chính bản thân mình thực hành sáng tác, đi trên con đường của họ. Sinh viên sẽ tự mình nhận thức được cái hay, cái đẹp, sự diệu kỳ của haiku khi tự mình trải nghiệm công đoạn sáng tác này. Và niềm vui khi tạo ra “đứa con tinh thần” của mình sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn giá trị một bài haiku. Quá trình ấy, có khi trải qua một thời gian dài nung nấu và thể nghiệm trong im lặng. Đó là sự im lặng của quá trình nội hóa tâm linh bằng “hài cú đạo”, mà chỉ những người đi trên con đường ấy mới hiểu hết những ngõ ngách, khúc quanh co của nó. Bên cạnh việc sáng tác thì bình thơ haiku cũng là họat động thực hành cần thiết. Khi bình thơ, sinh viên có thể rèn luyện khả năng cảm thụ của mình đối với một bài haiku. Việc nhận ra cái hay, độc đáo của ý tứ, hình ảnh, từ ngữ thơ và viết nó thành lời bình ngắn gọn, hàm súc cũng là cách để đi vào thế giới của haiku. Người bình thơ cũng là một “nghệ sĩ” tinh tế, có “con mắt xanh” (tri âm) với nhà thơ nếu họ khám phá được những vẻ đẹp ẩn giấu dưới lớp ngôn từ đầy bí ẩn như công án Thiền kia. Cần khuyến khích họat động sáng tác và phê bình haiku trong sinh viên và coi đó như một họat động thường xuyên, có ý thức để hình thành thói quen cho sinh viên.

THAY LỜI KẾT

Haiku ra đời ở Nhật từ thế kỷ XVII, hoàn thiện và phát triển cho đến nay trải qua hơn 4 thế kỷ. Nó được xếp vào thể loại thơ ca cổ điển của văn học Nhật. Nhưng có một điều kỳ lạ là hiện nay, haiku là thể thơ duy nhất trở thành thể thơ quốc tế, được yêu thích, sáng tác trên khắp thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều gì đã làm nên sức sống kỳ diệu như vậy cho một thể thơ “bé hạt tiêu”? Ngoài những lý do mà chúng tôi đã phân tích trong bài viết trên, còn phải kể đến hai khía cạnh: (1) Thứ nhất là “tính hiện đại” của haiku xét trên phương diện tiếp nhận văn bản. Haiku là thể thơ khuyến khích sự “đồng sáng tạo” của độc giả. Xu hướng đọc ngày nay của chúng ta phải là “đồng sáng tạo”. Người đọc càng có tính chủ động, sáng tạo, văn bản càng có sức sống. (2) Thứ hai là “tính tiện dụng” của haiku, nhờ vào hình thức cực ngắn của nó. Đời sống hiện đại với nhịp độ khẩn trương, gấp gáp ngày nay không cho phép chúng ta đọc những văn bản quá dài như trường thiên tiểu thuyết hay những bài thơ theo những cách thức đã có. Haiku nhỏ nhắn, ngắn gọn mà tinh chất. Có thể làm haiku và chia sẻ với bạn bè những cảm xúc, khoảnh khắc của đời sống bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính. Vì những lẽ ấy, xu hướng làm haiku ngày càng lan tỏa và phát huy ưu thế của mình. Từ lâu, haiku đã trở thành “Đạo” của người Nhật (俳句道: Hài cú đạo). Với dân tộc Nhật Bản, một dân tộc vốn đề cao sự tu dưỡng tinh thần thì Đạo (道) là khái niệm rất quan trọng. Bất kỳ loại hình nghệ thuật nào chủ trương hướng tinh thần con người đến sự hoàn thiện, giúp con người đạt đến những giá trị cao đẹp trong đời sống nhân sinh đều được họ trân trọng gọi là “đạo”: Trà đạo, Hoa đạo, Kiếm đạo…, và Hài cú đạo. Ngày nay, con đường tâm linh ấy đã trải dài và mở rộng khắp nơi để con người trên khắp thế giới này có thể được “giác ngộ”, “cứu vớt”… Trong hành trình ấy, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của hiền nhân Basho – người lữ khách từng miệt mài trên những “con đường sâu thẳm” cùng khát vọng mang đến cho người đời thông điệp sống minh triết: Hãy trở về với thiên nhiên, trở về với chính mình.

Th.S NGUYỄN BÍCH NHÃ TRÚC

Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm TP.HCM

(Trích từ: Kỷ yếu Tọa đàm: Thơ haiku trong nhà trường (06/2016) – Kỷ niệm 09 năm thành lập CLB haiku Việt TP.HCM)