Tôi không thể chọn cho mình một số phận tốt đẹp vẹn tròn theo ý muốn nhưng nếu cuộc đời mình không may mắn hay số kiếp nghiệt ngã đau thương thì tôi vẫn biết “Chủ động” vươn mình tự tin vượt lên số phận mà đứng lên để bước tiếp và đi tới… cho dù có thế nào! Miễn là tôi còn được sống, còn có một khối óc thông tuệ và một trái tim còn chảy tràn nhịp yêu thương… Đây là trải nghiệm của chính cuộc đời tôi! Trở về những năm 80, nơi miền quê biển Kiên Giang, những ngày đầu tiên tôi được làm cô giáo… Cô giáo dạy văn yêu nghề, thương trò, tâm huyết trên từng trang giáo án với bục giảng bảng đen và nét phấn hoa cho tình thơ tình đời lan tỏa. Nắng nóng, mưa dầm… Kệ! Trễ giờ, hết tiết… Không sao cả! Phụ huynh và bác giữ xe vẫn cười tủm tỉm chờ. Con mình đang ôn thi và lắng nghe chăm chỉ mà. Tụi nhỏ nể sợ sự nghiêm khắc và thương quý cái tâm cái tình của cô mà tiến bộ lên từng ngày. có đói chút cũng hổng sao, cô giáo mình cũng nhịn đói mà dạy nè! Cúp điện à! Cô trò ra sân trường lộng gió biển tiếp tục bình thơ luyện văn. Trò nhỏ ngồi bệt trên cỏ mà nghe như nuốt từng lời, từng ý trên từng con chữ trong bài ôn luyện bởi cô luôn chủ động thắp lửa rọi tim mình qua từng bài giảng, cảm hứng lan tỏa cùng tâm huyết tận tình, cặn kẽ không cần giáo án khuôn mẫu, cô giảng miệt mài những bài rèn kỹ năng, trau dồi tri thức, hướng dẫn trò ôn thi trong tiếng muỗi vo ve có ánh đom đóm nhấp nháy và bóng trăng khi mờ khi tỏ… Lớp học vẫn im phăng phắc, thỉnh thoảng lại vỡ òa thích thú rộn vang tiếng cười trong trẻo khi cô linh họat tung hứng dí dỏm thay đổi không khí nôn nao đói và đuối vì quá giờ… Tôi đã có một thời đam mê cháy bỏng với nghề dạy văn của tôi như vậy đó! Cho đến một ngày… Tháng 4 mùa thi. Hoa Phượng đỏ rực, nắng sân trường xôn xao những ngày thi vội vã năm cuối cấp, cô đã buông tay đánh rơi viên phấn giữa trang Kiều nức nở… Cô nghẹt thở phải vào cấp cứu và chuyển khẩn cấp lên bệnh viện Chợ Rẫy. Ca mỗ thành công, cô còn được sống thêm khoảng 6 tháng nữa theo chẩn đoán ban đầu nhưng tiếng nói không còn khi thanh quản đã bị phẫu thuật toàn phần. Tỉnh dậy trong đớn đau cứa cổ với hàng chục mũi khâu chằng chịt nơi cổ họng. Nào ống thở khai khí đạo trên cổ, nào là ống thông dạ dày đeo lủng lẳng nơi mũi, không thể ăn phải bơm sữa và cháo xay nhuyễn với cái ống tiêm to đùng, dây nhợ đường truyền dịch chằng chịt trên tay và cổ chân… Tôi gan góc căng mình ra mà đón nhận và chịu đựng tai họa bất ngờ đến với mình cùng với nỗi đau lặng thầm âm ỉ xé lòng… Tôi không còn tiếng nói! Cất lên lời bằng khẩu hình chỉ có hơi thở thầm thì. Tim nhói đau, nghẹn ngào, tủi hờn trong câm lặng, có lúc tôi oặn lòng uất nghẹn, đau thương cùng cực đến mức bế tắc tưởng chừng có thể tìm đến cái chết! (Đã có lúc tôi từ lầu 6 BVCR mà nhìn xuống?) Không! Không thể đầu hàng nghịch cảnh! Là giáo viên văn, tôi quen cách nói thật chuẩn khi phát âm bằng khẩu hình miệng. Không thèm dùng giấy bút, bảng xóa… Tôi chủ động nói để mọi người “nhìn thấy” tôi phát âm chứ không “nghe” tôi nói. Trò yêu của tôi luôn kề cận bên cô từ những giây phút đầu tiên nơi phòng mỗ. Cô chỉ mấp máy môi, tiếng thầm hơi gió nhòe trong nước mắt mà trò vẫn hiểu và còn trêu cô mít ướt! Mỗi khi cô cố gắng nói vì vết mỗ còn đau lắm thì trò lại “chăm chú nhìn khẩu hình mà đoán chữ!” Khi cần tôi đã viết! Chữ viết có thể gọi là đẹp và tốc ký nhanh. Không ít lần người giao tiếp có phần thích thú bật lên những lời khen: “Cô giáo văn có khác. Chữ viết rất đẹp, cô viết nhanh như nói vậy, không nắn nót mà chữ vẫn đẹp, chữ bay lượn múa bút như viết thư pháp, như giảng bài, tôi rất thích trò chuyện cùng cô, nhìn cô giáo bút đàm”. Tôi luôn ghi ơn lời khen tặng đầu tiên chân tình của hai vị bác sĩ kính yêu TMT và PTS đã khích lệ động viên nhen nhóm lại cho tôi niềm vui sống và sự tự tin tỉnh thức nhận ra chính mình để tôi biết chủ động vươn mình đứng dậy mà bước tiếp. Và tôi trở lại viết… Bài thơ đầu tiên khởi động trên trang báo Đời sống và Pháp luật trong Top 50 tác phẩm vào vòng chung kết cuộc thi viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Chuyện cổ tích tháng mười – Mã số 455” tháng 10/2013, thêm bài viết được yêu thích nhất trong ấn phẩm đặc biệt“Lạc quan Việt Nam” do Báo Thanh Niên tổ chức 30/05/2014, những vần thơ Haiku vỡ lòng với ân tình sâu nặng của Người Thầy lớn GS Lưu Đức Trung và những bậc thầy cô khả kính, bao bạn bè thân thương và trò nhỏ gắn bó chân tình luôn cho tôi những yêu thương… cùng đồng hành là trang facebook diệu kỳ bên tôi mỗi ngày qua từng trang báo online… Để tôi ngộ ra rằng: “TIẾNG NÓI TÔI – LỜI TRÁI TIM…”.

Kiên Giang, 10h10 ngày 10/12/2016

Nguyễn Kiều Phượng