(Nhớ Ông già Haiku Lưu Đức Trung)

1. Haiku vào đất Việt những gần tròn nửa thế kỷ. Chính thức được đưa vào chương trình Ngữ văn 10 (2000) qua lời giới thiệu của PGS Lưu Đức Trung và PGS Đoàn Lê Giang. Chưa kể đến cố vấn Nhật Chiêu – như một “tiền đạo” ham chơi mãi lặng lẽ đi bộ trải đường hài cú đạo… dù chẳng nhớ nổi tên một con đường.

CLB Haiku Việt Tp.HCM như đóa hoa đầu chớm nở, xòe cánh, giăng tròn 10 năm. Người thích chơi ngẫu nhiên tình cờ, người chơi dụng ý. Người thích chơi như bản thể đời mình, người chơi cho biết. Người chơi bớt buồn, người chơi có chút tiếng chút danh, người chơi tiếp, người bỏ cuộc chơi… Liệu đó là cuộc chơi hữu hạn trên đời hay cuộc chơi vô hạn của vũ trụ. Mười năm không gặp, đôi lúc gặp, mãi gặp… trên dòng đời tấp nập, trăng rơi qua kẽ nước… liệu còn thoáng Mảnh ngói rơi – giật mình – ánh trăng soi (Lưu Đức Trung); bèo lục bình ròng ròng tím trôi, liệu có còn mấy giọt lệ thương ai. Vỏ sò trên vách núi – con sóng nào – nổi trôi (Mai Liên).

2. Cuộc chơi nào cũng có luật, người chơi tuân theo luật một cách tự giác hay ép buộc, tự nhiên hay khiên cưỡng lại là chuyện khác trong sự tự nguyện chơi. Đằng sau luật còn có luật, luật trong luật và luật ngoài luật. Ấy là ở tài năng biết chấp nhận và vượt lên. Luật làm nên những hình thức thể loại, rực rỡ như Luật thi một thời rồi cũng phải “tự chết” vì chính luật mình đặt ra và hoàn thiện. Thực ra những người làm thơ chẳng ai đặt luật để tự biến mình thành thợ – dẫu là thợ thơ có tài. Tự nó vậy thành hình thành nếp theo quy luật sáng tạo. Và các nhà lý luận phê bình – những người không làm thơ, cũng muốn tham gia chơi, định ra luật. Cũng là cuộc chơi, nhưng người sáng tạo thơ chơi tự nhiên trong cuộc chơi vô hạn, còn nhà nghiên cứu chơi lập trình bác học trong cuộc chơi hữu hạn đầy tính toán. Tất nhiên, có hữu hạn mới làm nên vô hạn. Và ngược lại. Tùy phận. Ai vừa có trái tim thơ và vừa có cái đầu nhà nghiên cứu tạo nên sự tương liên, giản dị đến tuyệt vời. Haiku cũng vậy. Nó đạt đến đỉnh cao hoàng kim một thời ở nơi nó được sinh ra trên xứ sở hoa anh đào. Nó mỏng manh phù vân, hư ảo, ủ kín và thả hương theo gió. Nhưng nó không chết mà lan xa tỏa rộng toàn cầu vì tự nó hồn nhiên – anh nhi trong thế giới phẳng ở mỗi điệu hồn riêng. Nó sống mãi trong cuộc chơi vô hạn, đơn giản vì nó vô danh, vô úy, vô cầu… chẳng định thắng thua tên tuổi. Cây hoa nào – mà ta chưa biết – gửi lại một làn hương (Basho). Thơ nào chẳng cốt thật và hay, vực dậy từ khổ đau, biết quên để tự chưng cất nỗi buồn trong trẻo, khai phóng tâm hồn bằng những làn hương mang giá trị nhân văn. Nó gợi nhớ đến Huyền Thư – tác giả Việt đoạt giải thơ trẻ trong cuộc thi do các trường Đại học ở New Zealand (National schools poetry competition) tổ chức. Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu? Tên bài thơ, ngắt ra 3 nhịp, như một bài Haiku. Đúng là, Mặt phơi ngày – lưng đêm – phơi màu nhớ.

Trong sân chơi đa chiều ấy, không nên dừng lại ở lĩnh vực Haiku theo nghĩa hẹp, một dạng thể tài khó tính mà các nhà nghiên cứu thường thích thể hiện qua “cái roi ngựa” hàn lâm, mà cả trong nghĩa rộng của nó, ôm chứa cả những Haikai (bài hài), dạng loại Renku (liên cú), Haibun (bài văn), Hairon (bài luận)… trong cái lý của hình thức – thi pháp Haiku, điệu hồn Haiku nói chung. Trước khi cô gọn trong thuật ngữ Haiku (bài cú) với bàn tay cách tân của M.Shiki thời Meiji, Haikai no hokku (bài hài phát cú) là tinh thần thông dụng ở bậc thầy Basho thời Edo. Haiku Việt trước khi đạt được thành tựu tầm cổ điển, định danh được tên tuổi, điểm được bao bài… cũng phải theo luật – chơi – tự – do – vô hạn này. Hít thật sâu – thả lỏng, không áp lực, ai cũng có thể chơi nếu thích, phổ dụng phổ cập rồi mới nói đến chuyện tinh tuyển và đề ra nguyên lý thi ca. Trong vùng trời cao rộng ấy, hiện tượng thơ hai câu của Lê Đạt cũng đáng suy ngẫm theo tinh thần haiku. Tương tự như vậy, gần đây, Đôi cánh trong hành trình mãi bay của Mai Văn Phấn ở Bầu trời không mái che… trong dạng thức ba câu đã ra được sân chơi quốc tế, lại càng đáng cho Haiku Việt suy ngẫm. Nhịp thơ đồng điệu với nhịp thời gian, nhịp vũ trụ và nhịp tâm hồn trong dạng thức liên hoàn đoản thi, thể hiện ý tưởng thẩm mỹ của Mai Văn Phấn về tình yêu và thế giới tự nhiên trên nền tảng thi pháp cổ điển được thể nghiệm qua ngôn ngữ siêu thực ở sự vận dụng nghệ thuật sắp đặt ngôn từ tạo hiệu quả thẩm mỹ cao trong từng lát cắt bất chợt. Người ngày nay làm được thơ lạ và hay, ấy là nhờ ở nội lực biết Tìm về ngọn nguồn thi ca(Đặng Văn Sinh). Trồng cây cổ điển xanh trong miền thực tại, ấy là những bàn tay tài hoa.

3. Nhà giáo – nhà nghiên cứu Lưu Đức Trung, những năm cuối đời cũng thử chơi hóa thiệt. Chọn Haiku (thay cho Kawabata) làm gương mặt xứ sở Phù Tang trong dạng thức triêu nhan đưa vào SGK Ngữ văn Phổ thông, miệt mài làm – chơi bao tập Haiku… cũng là ý nguyện Tươi mãi với thời gian cho cánh hoa bìm bìm mang điệu hồn quê Việt, màu hoàng hôn chiếu ngược ánh bình minh, nối cầu vồng văn hóa với xứ sở Mặt trời. Haiku Việt đang dần phổ cập ở mọi lứa tuổi, mọi giới cấp. Vui thay cho hiệu ứng lòng người. Mừng cho Ông già Haiku “lẩm cẩm”. Cây thông trong gió – đứng hát thiền ca – nằm cười môi mẹ Đất.

10 năm là hữu hạn. Cuộc chơi vô hạn – chờ những người lớp sau, trong tiền kiếp bước ra hiện hữu – thượng đế tự phân vai. Hát. Cười. Và chơi. Bao giờ mới hết chuyện ở câu nói đầu môi. Biết rồi, khổ lắm nói mãi…

4. Thi ca cổ điển Việt Nam, trong sự hòa tan vào thế giới tự nhiên, tạo nên cái gọi là “thiếu bản ngã”. Con người cá nhân cá thể hiện đại đã khác. Bức tranh thay đổi của thế giới được nhìn theo nội cảm riêng mình, mang đặc trưng riêng mình. Điều này không có gì là mâu thuẫn với bản chất “trống không” của Haiku, nhà thơ nêu ra – bước tránh – độc giả tự liên kết những mảnh rời rạc, lấp đầy. Thậm chí nó còn rất phù hợp với sân chơi theo tinh thần hậu hiện đại. Tôi là Kẻ Khác trong một khoảnh khắc an trú là Tôi.

Dù là cổ điển hay hiện đại, Haiku không phải là thơ của cái tôi thích bộc lộ, cái tôi triết lý kiêu hãnh… Nhưng nó là đóa hoa thơ trí huệ ủ hương bừng nở trong từng khoảnh khắc của trí thông minh được trái tim nhạy cảm nuôi dưỡng. Nó đòi hỏi bạn phải biết quên dấu chân đã qua để không ngừng dấn bước vào những vùng đất chưa biết. Basho để lại một phong cách Shôfu (Tiêu phong) mang sắc thái độc đáo do chính ông tự định hình, đơn giản vì ông biết quên, bước qua như kẻ hành hương chân trần trong hành trình gió bể mây ngàn Lối lên miền Oku (Oku no hosomichi).

Lưu Đức Trung không phải là một nhà bác học thông thái, không phải kiểu học giả salông, cũng không phải là nhà thơ chuyên nghiệp… nhưng trái tim nhạy cảm cho ông đôi mắt có tầm nhìn. Đôi mắt nhìn sau lưng – thấy cả khuôn mặt. Hành trình một đời làm khoa học nghiên cứu giảng dạy chuyển từ duy lý Hoa Hạ sang tâm linh sông Hằng, đặt những viên đá tảng cho nền móng văn học Ấn Độ ở phổ thông và đại học trong buổi đầu còn non trẻ. Khoa học giúp chúng ta trở thành nhà thông thái. Lương tâm giúp chúng ta nên người (Lacordaire). Và có một Con Người – dù đã phần cuối đời, ý thức được trong căn tính bao dung. Văn học Nhật Bản – mảnh đất của cái Đẹp duy mỹ duy tình mà phương Tây cứ dần từng bước ngạc nhiên nể phục… dần được hòa nhập, lan tỏa vào đời sống đương đại Việt Nam sau một thời gian dài bị đứt đoạn, được xác lập trong hệ thống giáo dục Ngữ văn. Chọn văn từ Thủy nguyệt (Kawabata) cho đến Haiku với những Basho, Buson… cũng là một hành trình dấn bước. Và con người ấy lặng chín dần trong tâm thức thiền – như hơi thở, như tên gọi – hành phương Nam, không muốn tạo ra một phiên bản giả để thay thế cho sự thông minh, nuôi dưỡng tâm nguyện cho hành trình dấn bước của trí thông minh – anh nhi từ mái nhà Haiku Việt – điệu hồn Việt. Hành trình ấy, nay Người bước sang một vùng nắng mới nào đó trong kiếp người hữu hạn mang khát vọng vô hạn, cuộc chơi cứ mãi dở dang… Cánh bèo – tìm bóng mây xa – chậu nước trong nhà.

5. Vũ trụ là một tập hợp rộng – rỗng. Mỗi cuộc chơi riêng là một tập hợp con – mượn tay con tạo vẽ đầy ngô nghê trong vũ trụ ấy. Cho nên cuộc chơi – Thơ cần có những đôi mắt xanh đồng điệu theo quy luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Phương Đông, Khổng Tử nói: Người ta sinh ra, ai cũng cảm thụ cái lý khí của trời đất, cũng chịu cái mệnh trời như nhau cả, tất cũng như anh em một nhà vậy. Nếu ai biết lấy điều lễ nghĩa mà cư xử với nhau, trên dưới nhân ái, thì lòng thân thiện há chẳng dồi dào lắm sao. Nói cực ngắn, cực lành… há chẳng phải là tinh thần tương giao hòa điệu nhất thể ở Haiku đó sao? Phương Tây, Kinh Thánh dạy: Thượng đế cho ta một bộ mặt để biết ngẩng đầu lên nhìn trời cao. Hoa anh đào, đóa hướng dương, cành triêu nhan, cánh bìm bìm… chẳng là một giọt sương mỏng manh từ Đất hướng vọng ôm chứa cả Trăng Trời đó sao? Haiku là khoảnh khắc tự mình biết riêng mình trong tương giao cái khác biệt… còn mua vui được mấy trống canh là chuyện khác. Mẹ Đất cha Trời trong bài học vô ngôn tự cho hoa biết soi mình cao thấp – cứ ủ mầm, nảy nụ, bung cành, tự rụng… chẳng phiền lụy khi ai dạy mình thấp cao định phận. Cho nên, sống được, nó cũng cần những tao đàn, những tổ chức quản lý. Cái quá độ của Haiku Việt cũng cần có một mô hình – chẳng hạn Câu lạc bộ, một lý thuyết quản lý quá độ mà John Adair gọi là Transitional Theory để liên kết thành viên, dưỡng nuôi kỳ vọng, khai thông tầm nhìn, tạo nguồn xúc cảm, tay ấm bàn tay… Và tất nhiên, nó phải đủ can đảm – thông minh để tránh cho những người vô tư chơi đầy nhạy cảm vốn dễ bị tổn thương những rủi ro tác động khó thoát của điều kiện xã hội, áp lực tâm lý, khí quyển chính trị, môi trường mạng xã hội…

Đó là việc không dễ. Người chơi – thơ thường khổ, sợ nhất là những người khổ thường làm khổ lẫn nhau. Sức sống Haiku Việt nằm ở yếu tố nội lực tích cực sáng tạo lặng thầm của mỗi cá thể. Nhưng nó cần những bàn tay trong một tổ chức khơi dậy, liên kết, cấp nguồn. Quyền lợi là động lực cho hành động của con người. Nhưng làm thơ trong một cuộc chơi Haiku, tính ra có được quyền lợi gì, liệu mấy người hồn nhiên chơi. Chơi sáng tạo là hồn nhiên dù rất đỗi dụng công mà không để dấu. Chơi quản lý là cái đầu đam mê tỉnh táo. Cả hai tương hỗ tạo hứng, diễn trình sản phẩm, nuôi khí đường thơ. Trong cơn giông – em ôm chặt – hai bàn tay không.

Người làm thơ đúng nghĩa với hai bàn tay không, rỗng để mà đầy, rồi trả lại hư không. Giọt sương tan – trong nắng ấm – trở về hư không. Đó là cuộc chơi – vong thân – đổi lấy tự do. Nhưng người quản lý phải với hai bàn – tay – có. Ít nhất, Cần có trí tuệ minh mẫn, đạo đức trong sáng và tâm thế khỏe mạnh để quản lý con người (A.P.Chekhov). Có thế cuộc chơi mới hòa điệu hoan ca. Người chính là thơ. Và thơ chính là người. Người ta là hoa của Đất. Đốm nắng chính là nụ hôn trời gửi đất. Xác ve cánh phượng – vạt nắng trên đồi – nụ hôn mặt trời (Bồ Công Anh). Vạt trăng nõn chính là tòa thiên nhiên đất gửi ngược mời trời Trăng mờ – leo đồi – vướng gai trinh nữ (Lưu Đức Trung). Còn không, đất lo phận đất, trời đi đường trời, chẳng thể có haiku hay nếu thiếu tương giao cảm xúc ánh sáng, màu sắc, âm thanh, hương vị… Bài học Baudelaire để lại, xem ra còn có giá trị.

Đôi chân Ông già Haiku đã mệt, nằm xuống dưới đất nghỉ ngơi… Trong giọt nước mắt bi ai ôm cả mặt trời. Đàn – đứt – một tiếng buồn… có giật mình nghe ra. Hồn trong cánh bướm – Đậu cánh hoa đêm – Làn hương trong gió.

Như một vĩ thanh

Ngẫm kỹ, Haiku là sự tự hóa thân. Ở Basho là hai cuộc hóa thân trong cuộc đời, người samurai – ông thầy Haikai Tôsei – đại sư Haiku Basho trên hành trình lang bạt – thi nhân – phiêu lãng. Lưu Đức Trung là một dạng hóa thân, người lính – ông thầy dạy học – Anh nhi Haiku trên hành trình dấn thân – dặm dài – đa đoan. Cô đơn chưng cất men Sabi trong mái lều ẩn cư và hóa thân trong từng khoảnh khắc làm nên những đóa Haiku ở ý tưởng mang mỹ học thiền – Con người vĩnh viễn là kẻ lang thang không bến đỗ đầy ám ảnh mà Costica Bradatan trong cuốn Chết cho tư tưởng gọi là Sự thực hành một phương diện bản thể luận chưa được khai phá: bản thể luận của sự hiện sinh mỉa mai. Cái gọi là Thiền – hiện đại trong Haiku tìm về thực tại đầy những mảnh vỡ được sắp xếp lại là vậy!

Những khoảnh khắc rất thật đời thường trong dòng chảy vô thường mà chẳng đoạn thường bừng sáng như tia chớp ksana trong Am đời hư ảo (Genjuuan). Haiku là vòng chơi rơi giọt tuyệt vọng chạm đến ngưỡng hư vô nở hoa vô ưu. Hoa triêu nhan hay hoa bìm bìm đều là một karumi nhẹ lâng, lướt qua hàng dậu cổng nhà. Cành hoa cúc trắng – ngắm sâu – chẳng bụi trần. Màu trắng tinh khôi của đóa hoa cúc đồng nhất ở tấm lòng thanh thản hồn nhiên mà nở đóa hoa thơ Basho ngày nào. Nó mãi trắng tự nó như như, đơn giản vì nó không bị vay mượn, chiếm dụng. Và cho một Lưu Đức Trung ngày nay theo quy luật con tim – bất thành văn – bất khả tri. 10 năm… trang giấy lật 4 mùa, những cánh hoa rụng nở thiên di. Dưới cành mai – hoa rụng trắng đầu – xuân bất tận.

Chương trình Ngữ văn phổ thông mới theo tinh thần cởi mở, giản dị, tường minh – tự mình mang tính nhân văn khai phóng. Tự mình trải nghiệm qua những kỹ năng đọc – hiểu – biết, học và chơi chỉ là hai mặt của một vấn đề tự ngã – không phải là ngục tù của tha nhân, văn học không tách rời với cuộc sống. Haiku, xem ra, là sân chơi thích hợp – cho những cuộc tự hóa thân. Học sinh, hy vọng hết bị thơ ca “tra tấn” một cách “nghiêm túc ngọt ngào”, mà là những nhà thơ vui vẻ của một câu chuyện tiếp tục bắt đầu những gì nó không thể hoàn thành. James P.Carse đã kết thúc cuốn sách Trò chơi hữu hạn và vô hạn như vậy. Chỉ có duy nhất một trò chơi vô hạn.

Lê Từ Hiển