Những kỉ niệm với thầy tôi – GS Lưu Đức Trung

1. Con đường đầy hoa. Những chiếc giỏ nâu đầy ấp những nụ hồng và những nụ hoa Bách Hợp. Nắng mai làm trong hơn những cơn gió. Gió thoảng hương hoa và áo của những người học trò ngát thơm.

Ngược gió
Đóa hoa trên tay

Nép vào ngực tôi.
(20.11.2007)

Đó là bài thơ haiku đầu tiên tôi làm cách đây mười năm. Tôi làm bài thơ ấy trên đường mang hoa đến tặng thầy tôi. Tôi làm bài thơ ấy để trình bày với thầy về chỗ “hiểu ngộ” của tôi đối với tinh thần của thể thơ này.

Và với bài thơ ấy, thầy tôi đã “khai tâm” cho hồn thơ của tôi. Mười năm rồi hồn thơ ấy vẫn vẹn nguyên tươi mới.

20/11 năm nay, năm 2017, không có thầy, chỉ còn lại những vần thơ.

2. Có thể nói, thầy là thầy tôi, nhưng thầy ở vào thế hệ là thầy của các người thầy, người cô của tôi. Lần đầu tôi gặp thầy ở lớp cao học chuyên ngành văn học nước ngoài K27 trường đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh. Khi đó thầy đã vào khoảng bảy mươi. Lần đầu tiên đến với lớp học, thầy mặc một chiếc áo sơ mi trắng với cổ áo thật sạch. Chiếc áo đơn sơ và giản dị như chính phong thái của thầy vậy. Nụ cười và giọng nói của thầy khi đó, tôi vẫn còn cất giữ kĩ càng trong kí ức của mình. Trong miền nhớ ấy, thỉnh thoảng, thầy vẫn cười với tôi. Ở thầy, chúng tôi không thấy có khoảng cách nào được tạo ra bởi thẩm quyền của tri thức hay của sách vở, không thấy có thẩm quyền của một người biết đối với những người không biết. Những buổi học về thơ với thầy gần như là những buổi tâm tình về thơ. Thầy đã dạy dỗ chúng tôi bằng chính con người của thầy. Và do vậy, sự học của tôi với thầy gần như không có kết thúc. Sau ba năm học cao học, tốt nghiệp ra trường, sự học của tôi với thầy vẫn chưa từng ngừng nghỉ.

Chúng tôi đã có những buổi chiều thảo luận sôi nổi về đề tài của luận văn đến độ thảo luận xong mà mồ hôi vẫn còn đọng trên trán thầy. Chúng tôi đã có những buổi sáng cà phê và đọc cho nhau nghe những vần thơ mới nhất vừa sáng tác. Viễn Xưa, Dấu Xưa, Miền Đồng Thảo… những nơi đó đều in dấu kỉ niệm với thầy. Có lần hai thầy trò đi bộ trên đường phố Sài Gòn đến quán Dấu Xưa, mỗi người cầm một tập thơ. Trời trưa oi ả, hai thầy trò bất giác cầm tập thơ của mình lên che nắng. Thế là một tứ thơ mới nảy ra:

Khách thi nhân
Bước trong lòng phố
Vần thơ che đầu.

3. Lần đầu tiên đến nhà thầy ở đường Nguyễn Trãi, Q.3, Tp. Hồ Chí Minh, tôi được thầy dẫn vào xem kệ sách và bàn uống trà của thầy. Sàn gỗ thật sạch và những vật dụng được sắp xếp thật ngăn nắp, và hầu như lúc nào cũng có hoa. Thầy bảo tôi ngồi xuống và chỉ tôi cách pha trà. Rồi thầy hướng dẫn cách rót trà từ ấm vào chén, từ chén tống ra chén quân. Rồi thầy giải thích thế nào là “rượu trên be chè dưới ấm”. Thầy giải thích phải rót như thế nào để bày tỏ sự tôn trọng với người được rót và gây được không khí ấm áp tràn đầy thiện cảm cho một buổi uống trà. Nhất nhất tôi đều được thầy hướng dẫn hết sức cặn kẽ, tỉ mỉ.

Rồi thầy xoay qua kệ sách ở phía đối diện bàn uống trà để tìm cho tôi vài quyển sách và những quyển luận án của các thầy cô khóa trước mà thầy đã hướng dẫn. Tôi mân mê, ngắm nghía những chén trà bằng đất được chế tác hết sức tinh xảo và có lẽ đã rất xưa được đặt ở góc bên này của kệ sách. Bỗng thầy soạn được một quyển luận án về thơ Đường và hỏi tôi có có sành về thơ Đường không? và khi ngước lên trả lời thầy, tôi bất cẩn đánh rơi chén trà từ trên kệ sách xuống sàn gỗ. Tôi hốt hoảng và chưa kịp định thần thì thấy thầy quay lại nhìn và từ tốn bảo: “Cậu cẩn thận kẻo vỡ chén trà của thầy. Đó là kỷ niệm của học trò”.

“Cậu cẩn thận kẻo vỡ chén trà của thầy. Đó là kỷ niệm…”. Giọng nói của thầy trầm tĩnh và còn có chút đầm ấm nữa. Ngay lúc đó, tôi biết mình đã học được một điều gì đó từ thầy rồi, một điều gì đó, nhưng tôi không biết cụ thể là điều gì. Về sau, mỗi lần tôi nóng nảy, vụt chạc hay cẩu thả, hời hợt trong bất kì việc gì, câu nói của thầy lại văng vẳng bên tai: “Cậu cẩn thận kẻo vỡ chén trà của thầy”.

4. Có lần, tôi theo thầy về Vĩnh Long chơi. Chuyến đi đó có vài người nữa. Chúng tôi tham quan những ngôi nhà cổ, nghe đàn ca tài tử và xuôi theo những dòng sông mà kể chuyện thơ, chuyện đời với nhau. Nơi nào thầy đi qua, nơi đó tôi đều nghe thấy tiếng cười nói thân tình.

Có lần, tôi theo thầy tham gia vào câu lạc bộ thơ Haiku. Mọi người ngồi quây quần bên nhau trong một không gian tĩnh lặng và tâm sự với nhau bằng những câu thơ. Từ những buổi sinh họat của câu lạc bộ thơ Haiku như thế, tôi đã được ngồi nghe về cái đẹp, về tình người, và đã được nói những câu chuyện của lòng mình. Thầy thì lúc nào cũng vậy, dù là khi nói, hay khi lắng nghe mọi người nói, đôi mắt luôn hiền từ, và nụ cười cũng luôn hiền từ.

Có lần, tôi đến thăm bệnh thầy. Thầy khác nhiều quá. Vừa bước vào phòng bệnh, trông thấy thầy, bất giác tôi ứa nước mắt. Thầy trông thấy tôi, chỉ hỏi được hai câu: “Cậu đến thăm thầy đấy à?” “Cậu từ Đồng Tháp lên à?” Rồi vì yếu sức, thầy không trò chuyện được nhiều nữa. Lần đó tôi có bế thầy lên cho người nhà thay tấm ga trải giường. Cảm thầy thầy nhẹ nhàng như mây mà lòng tôi thắt lại. Rồi tôi ngồi bên thầy trong hơn một giờ đồng hồ tĩnh lặng của hai thầy trò. Một giờ đồng hồ ấy, nay đã thành thiên thu.

5. Thầy ra đi nhưng để lại kỉ vật. Đó là những vần thơ. Có một vần thơ thầy viết về sương.

Hoa sen cuối hạ
Sương trên lá
Thu sớm trong chén trà.

Đối với tôi, đó là giọt sương kỉ vật mà khi những mùa đi qua, khi năm tháng đi qua, thầy còn trao tặng cho cuộc đời. Soi mình trong giọt sương ấy, ta thấy trong suốt vui buồn của trăm năm.

6. Hôm tiễn thầy đi, trời mưa nhiều. Tôi tiễn thầy bằng một vần thơ:

Khép mi
Mùa xuân giữ lại
Vần thơ cuối cùng.

Và tôi tin, tình thương của một người thầy đối với bao thế hệ vẫn còn đây.

Nguyễn Diệu Minh Chân Như

Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Đồng Tháp