1. Haiku như một đóa hoa lặng lẽ mà tôi là kẻ khất thực đang dò dẫm tìm đường đi, chỉ lặng ngắm từ xa. Trong nhiều xao động lòng mình, chưa có “khoảnh khắc hồn nhiên không vướng bận”, tôi sợ đôi tay lấm bẩn chạm vào vẻ đẹp mà khi yêu đóa hoa ấy không gì khác hơn là “không làm gì cả”, chỉ lặng ngắm, để hoa tự nở – tự tàn – tự rụng rơi cho tròn một kiếp hoa theo lẽ tự nhiên. Còn ta, tự thơm lòng mình với đóa hoa ấy như uống vào ba làn sương khói: khói bếp nơi mái nhà chốn trần ai, tục lụy; màn sương nơi núi xa cho cõi mộng hư ảo nào mà người hằng mơ về; khói hương trầm thì thầm lời bia mộ – thế giới bên kia ta-không-biết, như một sự trở về cho tròn một kiếp đến từ hư vô – trở về hư vô, vô danh đến – về vô danh.
2. Tôi, dấu chân trần khất thực niềm lặng im rồi tan đi như chưa hề dấu vết, trắng xóa niềm đau, với vòng lận đận sóng xô bạc đầu,… trong hành trình tìm tôi.
Trong miên trường tự đối thọai – tự lành, giữa quãng ấy, tôi đâu biết thời gian là bao lâu để có thể vút lên cánh chim thanh tao trong khoảnh khắc “hãy bước vào, là nó” (Suzuki). Ôi! Trái tim trần tục này…
Tôi thu bóng tôi! Đâu đã bao lần một ngày ngồi lại, lặng ngắm chiều rơi, rồi “về soi bóng mình / Giữa tường trắng lặng câm” (Trịnh Công Sơn) mà vẫn không biết, không hiểu: “Tôi là ai?”.
Tôi thiết tha chạm vào cái tôi-không-biết với niềm khát biết, khát sống, để rồi tự giới hạn mình trong cái biết nhỏ nhoi riêng mình: “những vầng mây xám / không che nổi / thiên thanh bầu trời”.
Cháy bỏng đôi chân khát khao “Supertramp”, “Into the wild”, rũ bỏ phận người với nhiều đóng khung, thực hành mối quan hệ mặt nạ, để sống không phụ thuộc,…
Bước chân trên cát, để thấy, cần đưa bản thân ra khỏi nơi an trú của nó để sống kiếp người tôi-khả-thể, tôi-khả-biến với sự “tự giác trung thực”, thực hành nó nhiều nhất có thể, đối mặt và bao dung với cảm xúc của mình, để nhận ra “trong sâu thẳm có một giọng nói thì thầm”, trái tim hát, và khi đó – “khi thật là tôi, tôi mới thực sự gắn kết với người khác”.
Điều này có mâu thuẫn không, giữa tôi và haiku, khi “tính chất haiku – cái tôi trống vắng, tan biến”, còn tôi là đứa trẻ vẫn hoài đi tìm… tôi?
Ngay bây giờ, tôi thấy hạnh phúc là được vô danh trong đời này. Tôi từ chối những quy luật. Tìm đến nụ hôn:
Xác ve cánh phượng vạt nắng trên đồi nụ hôn mặt trời
Nụ hôn
giữa đêm, ngày:
bình minh và hoàng hôn
Từ chối những ý niệm “đời người như gió thoảng”, “đời người ngắn ngủi”,… bởi phải chăng, đó như một tham /khát vọng níu kéo điều mãi mãi / dài lâu vốn chỉ tồn tại trong khoảnh khắc?
Như đứa trẻ vẫn hoài thắc mắc, đặt câu hỏi quanh mình. Tôi học thời gian. Những ngày, tháng, năm cũng bởi do con người chồng xếp, đặt tên. Bản thân thời gian có tên gọi không? Hay vốn không thực hành gọi tên? Nên tôi không có nhiều ngày, tháng, năm, không cả ngày mai. Tôi chỉ có một ngày để sống – một đời tôi.
3. Thoảng khi, đứng riêng ngoài những xao động, trong “nỗi buồn chưng cất”, tôi thấy nó đẹp và ngọt ngào.
Hỡi cô đơn
người cũng là niềm an lạc
trong đêm thu
(Buson – Lưu Đức Trung dịch)
“Đau khổ cũng đẹp như một vòng hoa”;
“Cõi đời hôn lên hồn tôi nỗi đau thương. Và đòi hỏi tôi đáp lại bằng lời ca tiếng hát”
(Rabindranath Tagore)
Sự gần gũi vô hình ấy nhờ có những nhịp cầu: Thầy tôi – “Ông già haiku” Lưu Đức Trung lặng lẽ, ấp áp gieo mầm haiku Việt. Thầy – một đời như hoa. Một đóa Quỳnh âm thầm tỏa hương trong đêm vắng; Cô giáo tôi – Cô Đặng Kim Thanh (Song Khê), người đưa tôi đến với CLB Thơ Haiku Việt Tp.HCM, người cho tôi biết rằng: đôi khi ta chưa yêu một điều gì, do ta chưa hiểu/biết đủ về nó; và những bài viết của Thầy Lê Từ Hiển về haiku – đóa Hoa thời gian thắp lên “nỗi buồn rực rỡ”.
Quỳnh ơi!
Chiều hé nở
tối rạng rỡ
sáng rã rời – Quỳnh ơi!
(Lưu Đức Trung)
Đóa Quỳnh đã về với ngày, chỉ còn trong lòng người ở lại tiếng “ơi” ngân dài, sâu thẳm,… ươm thêm bao nụ Quỳnh trong đêm-đời, có khi thong dong, có khi dò dẫm bước,… rồi cũng qua!
4. Đến với haiku không chỉ là niềm yêu lặng lẽ mà còn là một thực hành “thơ – sống thơ”, thực hành haiku – người haiku trong từng bước chân đời mình, hồn mình.
Một văn bản haiku sẽ trở thành nhiều bài thơ haiku trong cùng một con người / hoặc nhiều con người, cảm nhận bởi những khoảnh khắc, không gian và “điều bất chợt” khác nhau.
Tôi không “làm” thơ/ thơ haiku. Tôi chỉ ghi lại dòng tuôn chảy lòng mình chợt hiện, đôi khi gọn gàng, lắm lúc miên man, và tôi để mình tự thân, không “cố gắng” lớn lên!
Những điều đã viết như để đối thọai với cái tôi-không-biết, trong hành trình nhận biết, như bao lần ngộ nhận “nắm cát” trong lòng tay, ngỡ như đã giữ nhưng cát đang “tự vỡ”, trở về bờ bãi, rơi vào lòng biển sâu…, tôi nắm bàn tay không! Hay xem như một khát khao “nhẹ tênh” bay lên như đóa bồ công anh vương theo gió mà sống tung trời khi sửa soạn cho buổi tàn ngày, gieo mình vào vùng đất khác.
“Không chút gì hết ư? Tôi không biết Một chút không gì hết, khiến ta đau”. (Alarode)
Quy Nhơn, Hạ, 11/6/2017
Bồ Công Anh