Khoảng đầu năm 1996, Trân, bạn tôi, chìa ra một tập thơ mỏng bìa màu xám, trình bày giản dị và nói: “Em tặng chị, tác giả Phùng Cung, chắc chị biết”.
Tôi cầm trên tay đứa con tinh thần của Phùng Cung, lòng xúc động vô cùng vì biết rằng để có nó, tác giả đã phải vượt bao nhiêu “khổ nạn” và những người bạn thân thiết của ông (Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang…) đã phải nhiệt thành làm “bà đỡ” tận tuỵ cho nhà thơ thế nào.
Tôi đọc tập thơ với tất cả tình cảm nâng niu, trân trọng và ngạc nhiên vô cùng trước những hạt ngọc đẹp long lanh mà Phùng Cung đã chắt chiu sáng tạo, lưu giữ… từ cuộc đời bị bầm dập, khốn khó… với bao đêm trăn trở, thao thức trong nhiều năm trời:
Thao thức nỗi riêng
Muốn nhắn về cung lạnh
Gió lộng xiêm đình
Mảnh nguyệt thơm-khuya
(Thao thức)
Hay:
…Đêm trằn trọc
Xé đôi giấc ngủ
Nửa giấc tù ngồi
Nửa giấc trăng
(Trằn trọc)
Nhiều nhà thơ, nhà phê bình văn học đã viết nhiều về Phùng Cung, về cuộc đời cay đắng, về tài văn, tài thơ, về tư cách làm người, về khí phách của người cầm bút…
Tôi chỉ là một độc giả cảm phục và yêu quý thơ Phùng Cung, có chút ít quan tâm đến thơ Haiku Việt, qua bài này, chỉ mong muốn làng Haiku Việt (nếu có thể gọi thế) nên kết nạp Xem đêm của cố thi sĩ Phùng Cung vào dòng thơ của mình để thơ Haiku Việt thêm nhiều hương sắc độc đáo.
Có thể Phùng Cung không ý thức về thi pháp thơ Haiku nhưng đọc Xem đêm, tôi cứ liên tưởng đến thơ Haiku, dù 200 bài thơ trong Xem đêm, tác giả làm theo nhiều thể thơ khác nhau. Nhiều bài phảng phất Đường Thi, nhiều bài theo thể thơ tự do văn xuôi, nhiều bài chỉ là một cặp lục bát ngắt thành nhiều dòng.
Lênh đênh muôn dặm
nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh
(Bèo)
Hoặc:
Cổng hè đổ vụn nắng son
Con trâu gốc phượng
Nhai mòn gần xa
(Trưa hè)
Và:
Trăng tà
Trĩu ánh
Sương rơi
Đong trăng lá lạnh
Đầy vơi bao lần
(Đong trăng)
Không có bài nào làm theo cấu trúc 3 dòng, 17 âm tiết (5-7-5) theo chuẩn Haiku Nhật Bản. Nhưng hầu hết các bài trong Xem đêm đều mang vóc dáng Haiku, một kiểu Hai- ku thuần Việt, giản dị, nhỏ, xinh, không chút kiểu cách, làm dáng. Tất nhiên, chất Haiku trong Xem đêm không chỉ ở vóc dáng mà chủ yếu ở hồn cốt, tinh thần. Xem đêm tập trung nhiều bài hết sức hàm súc chất chứa, giàu sức gợi, sức liên tưởng. Tập thơ chan chứa tình yêu với thiên nhiên, gắn bó sâu nặng với thiên nhiên, một thiên nhiên chân quê, bình dị, thân thương, gần gũi: cây cối, chim muông, dòng sông, bến đò, cánh bèo, ánh trăng, màu nắng… đều được tác giả quan sát, thể hiện bằng một ngòi bút bậc thầy với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Tất cả như có đời sống, như có tâm hồn. Hình ảnh, âm thanh, màu sắc… trong Xem đêm vừa gần gũi vừa lạ lẫm, quyến rũ, làm xao xuyến lòng người, có khả năng đánh thức những miền kí ức sâu kín, đẹp đến nao lòng:
Đêm về khuya
Trăng ngả màu hoa lý
Tiếng gọi đò căng chỉ ngang sông
(Đò khuya)
Hoặc:
Ngược gió, thuyền xuôi
Đáy nước sao chiều
Đắm ngọc
Tắm nắng da bò dây chéo
Bến quê
(Đắm ngọc)
Hoặc:
Thoáng mùi ruộng ải
Thóc giống cựa mình
Nắng vắt ngọn tre-đuôi-én
Đủng đỉnh điệu cu cườm
Lay nhịp-gió may
(Mùa gieo mạ)
Ta có thể bắt gặp rất nhiều những hình ảnh giàu sức liên tưởng và gợi cảm khác trong Xem đêm: nào “Trăng ngủ tím sông”, “Bóng râm rẽ nắng”, “Ngụm trời da bát”, “Trời xanh chới với”, “Trăng thiêng”, “Gió đẹp”…
Quả là nếu không có mối liên hệ tâm hồn, năng lực liên tưởng thì cũng khó mà thưởng thức hết vẻ đẹp của Xem đêm.
Đặc biệt tập thơ có tên Xem đêm nhưng lại chan hoà ánh nắng, những sắc nắng đặc trưng của Phùng Cung, màu nắng của tâm hồn, màu nắng của hoài niệm, nhớ thương, gắn liền với đời sống thường nhật: Nắng cánh cam, nắng rơm, nắng bổ cau, nắng ngả tương, nắng trôi lụa, nắng Âu cơ và… nắng cũ
Đồng chiêm ơi
Khoé mắt ngời nắng cũ…
(Nắng cũ)
Xét đến cùng, tất cả màu nắng và những hình ảnh khác nữa trong tập thơ đều là những cách thế của con người từ trong bóng đêm mà cảm thụ, mà nâng niu, mà vinh danh ánh sáng từ mọi phía, mọi nguồn để vượt qua cảnh ngộ chính mình:
Đêm đen
Kìm kẹp ngọn đèn
Gẩy lửa
Vẫn vinh danh nguồn sáng
(Nguồn sáng)
Bởi thế, vẻ đẹp trong Xem đêm là một vẻ đẹp buồn. Có một cái gì u huyền, trầm mặc thấm trong từng câu, từng chữ của tập thơ. Phải chăng đây là một trong những nét đặc thù của Haiku nói chung.
Một phương diện khác không thể không lưu ý: Xem đêm là tác phẩm được sáng tác trong điều kiện không bình thường. Với Phùng Cung, văn thơ đã từng mang “đại họa”. Ra tù, cái họa vẫn rình rập, đeo đuổi. Làm thơ với ông có nguy cơ đồng nghĩa với tội phạm. Và cái đói nữa:
Cái đói-trôi
Lăn kín bốn mùa
(Gãi đất)
đã khiến bát cơm trên tay chan đẫm nước mắt, mồ hôi.
Mồ hôi tháo
Lưng cơm chan đẫm phong trần
(Phong trần)
Hạt gạo, do vậy trở nên rất đỗi thiêng liêng:
Thân phận tôi
Trầy trật lưng cơm đọi cháo
Tôi rạp đầu
Bạc tóc rạp đầu
Lạy hạt gạo thiêng
(Hạt gạo)
Nhưng cả tập thơ, không một lời oán hận. Trái lại, Xem đêm là tập thơ của tình yêu, của lòng nhân hậu, vị tha, khiêm tốn, dịu dàng:
Cánh chiều treo, bóng chơi vơi
Hoa xoan tím, mượn chút trời
Ngày xưa
(Tím mượn)
Dáng em mềm-xóm ngõ
Tôi muốn vay em một chút dịu dàng
(Vay)
Chẳng lẽ nhà thơ chẳng có gì để sở hữu, chẳng lẽ cái gì ông cũng phải vay mượn, dù chỉ là một màu xoan tím ngày xưa?
Cái đẹp trong thơ Phùng Cung là cái đẹp của Hương xưa thường hiện ra trong trạng thái khao khát, nuối tiếc, sâu thẳm mà trìu mến, nhẹ nhàng.
Chất thiền trong thơ ông là chất thiền đã trở thành cảm xúc, thi hứng. Qua thơ ông, ta nhận ra một cốt cách an nhiên, tự tại, hiền hoà…
Thơ là sự thể hiện thực tại, chủ yếu là thực tại của tâm hồn thi sĩ. Nhưng thơ cũng là sự bù đắp cho thực tại để tạo nên một thế cân bằng hài hoà. Trong trường hợp của Xem đêm, nó không chỉ là hình thức thưởng lãm phong hoa tuyết nguyệt, dù trong Xem đêm ngập tràn bóng trăng, hương gió. Với Phùng Cung, thơ là lẽ sống, là cứu cánh giúp ông giữ được là chính mình trong “nửa thế kỉ bị lưu đày trong cõi tung hô” (Tội nghiệp):
Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Không đổi giọng Tân Cương
(Trà)
Cũng như Phùng Quán đã “vịn câu thơ mà đứng dậy”, Phùng Cung cũng nhờ thơ và nhờ tất cả vẻ đẹp nên thơ đã từng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt để đứng dậy làm người:
Mồ hôi mẹ
Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt
Con níu giọt mồ hôi, đứng dậy làm người
(Mẹ)
Ranh giới giữa thơ chơi và thơ có ích, giữa quá khứ và hiện tại, giữa mộng và thực, giữa tình và cảnh, giữa ánh sáng và bóng tối… đã thống nhất hài hoà làm cho thế giới Xem đêm có một vẻ đẹp giản dị nhưng kì diệu, huyền ảo, không phải ai cũng có thể thưởng thức, cảm thụ.
Cách đây chưa lâu, anh Xuân Đài bày ra trước mắt tôi một chồng Xem đêm xuất bản 1995 đã úa màu thời gian và nói: “Em xem có ai yêu thơ, đem tặng hộ anh”.
Nhìn chồng sách, tôi rất đỗi xót xa, ngậm ngùi: một tập thơ đặc sắc đến thế mà bị người đời hờ hững thế sao! Đã hơn 15 năm, quá thời gian lưu lạc của Thúy Kiều… Phải chăng thơ cũng có số mệnh như người? Cũng dễ hiểu thôi. Phùng Cung không phải là nhà thơ thời thượng.
Nhưng Xem đêm đã được tái bản có bổ sung, giấy đẹp (tái bản tháng 9/2011). Hội nhà văn Hà Nội đã có hội thảo trang trọng về ông. Tập thơ Xem đêm đã được trao giải “Thành tựu trọn đời”. Các bản tham luận đều đánh giá rất cao nhân cách, tài năng của Phùng Cung.
Riêng tôi vẫn tin rằng những giá trị đích thực chắc chắn sẽ vượt thời gian và sống mãi. Hi vọng tập thơ Xem đêm sẽ có một vị trí trang trọng trong làng Haiku Việt.
Tp.HCM, tháng 12 năm 2012
Nguyễn Thị Dư Khánh