Đôi lời tâm sự nhân Kỉ niệm 10 năm thành lập CLB Haiku Việt Tp. HCM Người đã dắt tôi vào thế giới thơ Haiku Kỉ niệm 10 năm thành lập CLB Haiku Việt Tp. HCM mà lại vắng bóng người sáng lập, người Thầy tôn kính của bao thế hệ học trò khắp mọi miền đất nước- Ông già Haiku Lưu Đức Trung! Trong những ngày chuẩn bị cho Lễ Kỉ niệm đầy ý nghĩa này, nỗi nhớ Thầy chẳng thể nguôi ngoai…! Xin cho tôi được nói đôi lời về những kỉ niệm với Thầy, người cha tinh thần của tôi riêng về lí do vì sao tôi đến với thơ Haiku. Thầy ơi! Năm 1988, một lần nữa may mắn em lại được là học trò của thầy. Ngày em đến nhận chuyên đề SĐH văn học Ấn Độ là lần đầu tiên em được biết căn phòng nhỏ của Thầy trên tầng 5 khu TT Giảng Võ, biết đến không gian lúc nào cũng đầy hoa thơm và tràn ngập tình yêu thương… và nơi đây đã trở thành “lớp học” để em được nghe Thầy truyền giảng biết bao kiến thức về văn hóa, văn học của một đất nước đầy sự huyền bí. Ngày ấy, cánh cửa ra vào nhà Thầy màu xanh cũ mở ra thành tấm bảng để Thầy viết lên đó và nói cho em hiểu về tư tưởng của R.Tagore, về vẻ đẹp bi hùng của những trang sử thi Ấn Độ… Bên tách cafe nóng Thầy pha mỗi khi em đến học, lời Thầy chậm rãi, say sưa, kĩ càng… (cũng vì thế mà em biết uống cà phê, biết thưởng thức sự quyến rũ của nó đấy nhé). Thầy giảng mà như trò chuyện, Đã có bao buổi học một thầy một trò như thế. Nghĩ lại em thấy mình thật hạnh phúc. Những giờ học ấy là vô giá Thầy ơi! Rồi căn phòng ấy đã trở thành nơi em hay lui tới những dịp lễ tết, những buổi tụ hội thầy trò mở tiệc rượu, thưởng hoa, uống trà… Và cả những khi em thấy chông chênh, mệt mỏi trong cuộc sống lại đến trò chuyện với Thầy cho nhẹ vơi nỗi lòng… Em còn nhớ khoảng năm 1999, một lần cùng TB đến thăm Thầy, cũng tại căn phòng đơn sơ nhiều sách, nhiều hoa này, Thầy đã say sưa, tràn đầy hứng khởi nói về thơ Haku, về Basho, Buson, Issa, Shiki, về bài thơ con quạ, con ếch, tiếng ve… Thầy dạy: muốn hiểu thơ Haiku phải mở rộng lòng để cảm nhận, đón đợi bằng tất cả các giác quan… Và cứ vậy, sau lần ấy mỗi khi được gặp Thầy là em lại được “bổ túc” về thơ Haiku. Đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện, giọng say sưa, qua lời Thầy, thế giới Haiku mở ra với em thật mới lạ, đầy những ám ảnh, hấp dẫn… Có thời gian em được phân công dạy văn học Nhật Bản cho SV (đào tạo liên kết với ĐHSP1 HN), Thầy đưa cả Đề cương bài giảng về thơ Haiku cho em, dặn kĩ càng phải dạy như thế nào? Những lời Thầy thấm vào bài giảng của em nhưng khả năng có hạn nên em cũng thật khó và không thể nói cho thấu cái độc đáo của thể thơ này. Nhiều lần Thầy động viên: “Em thử viết Haiku đi”. Nhưng em không đủ tự tin vì tự thấy chẳng có khả năng gì! Còn nhớ, ngày chia tay ở sân bay Nội Bài thầy vào Tp. HCM cuối năm 2003, tối đó em trở lại đường Giảng Võ bâng khuâng đứng lặng nhìn lên cửa nhà Thầy tầng 5, mưa bụi nhẹ, lạnh. Bất chợt mấy chữ hiện trong đầu: “Người đi / giăng mắc /mưa li ti”; “Người xa /con đường lẻ bóng /chiều mùa đông qua”. Đó là bài “Haiku” đầu tiên nhưng em giấu kĩ chẳng đủ liều để khoe Thầy. Thế rồi, bận bịu công việc, con cái… em chẳng có thời gian mơ mộng, tĩnh tâm nghĩ đến thơ phú. Sau đó, mỗi lần trở lại Hà Nội, trong câu chuyện, Thầy rất hào hứng, tâm huyết nói về dự định thành lập CLB Haiku Việt. Và năm 2007, từ Tp. HCM Thầy báo tin vui về sự ra đời của CLB. Thầy vui như có thêm động lực sống, làm việc, cống hiến. Thầy nói: “Em có tên trong thành viên CLB đấy nhé”. Em đã cuống quýt: “Xấu hổ chết, em đã viết được gì đâu thầy ơi!” Thầy chỉ cười độ lượng. Năm 2009 Thầy ra Hà Nội và tại quán cafe “Nắng Sài Gòn” trên đường Nguyễn Chí Thanh (cũng không phải ngẫu nhiên Thầy chọn địa điểm này), Thầy lại là người khởi xướng thành lập CLB thơ Haiku Hà Nội (hôm đó chị Lê Thị Bình nhận trách nhiệm phụ trách CLB). Thầy vui lắm, tràn đầy hi vọng! Tiếc rằng việc dạy lu bù, em cũng không có thời gian tham gia. Biết vậy, Thầy như trầm tư hơn nhưng cũng chỉ nhắc nhẹ: “Dạy ít thôi, còn phải nghĩ đến mình!”. Những tập thơ Haiku của Thầy lần lượt ra đời. Tập nào Thầy cũng tự tay đề tặng và ra bưu điện gửi cho em. Trong tập đầu tiên “Tươi mãi với thời gian”, có bài Thầy đề tặng AT, TB. Trân quí biết bao tấm lòng của Người Thầy! Đã rất nhiều lần em tự nhủ phải viết gì đấy về thơ Haiku, về những vần thơ Haiku của Thầy, tập viết thơ…nhưng bệnh lười khó chữa, năng lực thì có hạn thành ra lúc nào cũng như cảm thấy có lỗi với Thầy. Tháng 10 năm 2015, Thầy có chuyến vi hành ra Bắc. Thầy tặng em tập thơ mới “Phiến khúc mùa thu”. Cầm tập thơ, mừng vì Thầy vẫn khỏe vẫn viết nhưng em như thấy có điều gì không ổn? Có cảm giác lần gặp này không giống như mọi lần! Nhất là buổi trò chuyện với Thầy tại nhà chú Thành (em Thầy ở phố Hàng Bài) mùng 4 tết năm ấy (trước một hôm Thầy về Sài Gòn), Thầy như buồn nhiều hơn. Nắm chặt đôi bàn tay gầy của Thầy em linh cảm có lẽ sẽ còn lâu Thầy mới trở lại Hà Nội được (có ngờ đâu đó lần cuối cùng em được trò chuyện với Thầy tại Hà Nội). Lần đó em dắt thằng cháu nội cùng đến thăm Thầy và bên cành đào phai Hà Nội nở rất đẹp đặt ở góc phòng, em được chụp ảnh với Thầy. Cảm xúc bất chợt, em đã cầu mong: “Đào nở / bên Thầy / xuân bất tận”. Nhớ lại cuối tháng 11/2015, em được cùng đi với Thầy về Hải Dương thăm vợ chồng anh chị Quỳnh Hằng. Trong lúc chờ xe đến đón em rụt rè: “Thầy ơi, em đọc thử bài Haiku mới làm Thầy nghe thử nhé?”. Thầy cười động viên: “Được chứ!”. Em mạnh dạn hơn. Thầy nhận xét: “Tạm được nhưng đổi chữ này đi nhé…!”. Em như được khích lệ, can đảm để viết tiếp. Hôm đó anh Lưu Đức Hải lái xe và say sưa nói rất nhiều về thơ Haiku, Thầy ngồi bên thỉnh thoảng phân tích, bình luận sâu sắc, thấu đáo có vẻ vui lắm. Sau chuyến đi, cứ như có sự thúc giục mơ hồ nào đấy, em bắt đầu có ý thức thử bút với Haiku. Không thể quên ngày 5 Tết năm 2016, 5 giờ sáng Thầy tạm biệt Hà Nôi về Sài Gòn, hôm đó trời rất lạnh. Ở nhà theo bước Thầy đi, em đã nghĩ: “Gió thầm thì / bàn chân đưa tiễn / xuân đi xa”. Nhớ Thầy, em giở tập “Phiến khúc mùa thu” đọc lại và ngay lập tức muốn viết gì đó. Gọi điện xin phép Thầy được viết mấy suy nghĩ, cảm nhận về tập thơ. Thầy trả lời luôn: “Tốt quá, viết gửi luôn Thày để kịp đưa vào Tập san KN 9 năm thành lập CLB Haiku Việt Tp HCM”. Thế là chỉ trong khoảng 2, 3 tiếng em viết xong gửi đi mà trong lòng đầy hồi hộp, lo lắng. Lần thứ nhất, Thầy nhận xét: “Cũng được đấy nhưng dài quá, nên tập trung vào một số bài thôi, đừng tham”. Em sửa lại và Thầy duyệt cho vào Tập san của CLB.

Trong lòng em một niềm vui vô bờ chưa từng có trong đời, thầm cảm ơn Thầy rất nhiều vì sự rộng lượng ấy. Lần đó em cũng mạnh dạn gửi thêm 10 bài (gọi là Haiku) cho Tập san. Cứ vậy. em viết thơ mà “chẳng cần biết” mình là ai. Bắt đầu biết chơi fb là cứ đưa “thơ” lên vô tư. Cũng thật nông nổi Thầy nhỉ! Nhưng em nhớ có lần thầy nói: “Thơ Haiku làm cho đầu óc thư thái, vứt bỏ mọi phiền lụy của đời thường, sống an nhiên tự tại. Thơ haiku làm cho chúng tôi ngộ ra nhiều điều về cuộc sống. Sống để làm nguời tử tế, không phải làm thơ, chơi thơ để cầu danh lợi, thành nguời nổi tiếng. Thơ haiku mang tính chất vô cầu”. (Trích từ bài phát biểu kỷ niệm 5 năm thành lập CLB thơ Haiku Việt Tp HCM tháng 6 năm 2012 của Thầy). Trở lại Sài Gòn năm 2016, có lần Thầy nhắn: “Mọi việc ổn nhưng thầy buồn nhiều hơn”. Thương nhớ Thầy mà em không biết phải làm sao? Rồi Thầy giục: “Em tập hợp những bài thơ gửi qua email để Thầy xem nhé!”. Được lời như cởi tấm lòng, em gửi ngay mấy chục bài. Thật cảm động, Thầy nhận xét: “Em viết được đấy, nắm bắt tinh thần thơ Haiku tốt, viết tiếp Thầy giúp em, thầy trò mình sẽ in chung 1 tập thơ…”. Biết đấy là sự động viên khích lệ nhưng em đã lặng người sung sướng vì duy nhất chỉ nghĩ một điều là phần nào đã đền đáp được công ơn của Thầy (Mọi người sẽ không nghĩ là mình khoe đâu nhỉ!). Có lần, ngắm ảnh Thầy trên fb khoảng tháng 2/2016 đang đưa tay nâng bông hoa trúc quân tử, khoảnh khắc bất chợt, xúc động em viết tặng Thầy những mong Thầy luôn vui khỏe, “tươi mãi với thời gian”: “Hoa trúc / lộc đầy tay / quân tử”. Rồi khoảng tháng 2/2017, Thầy đưa lên fb về sự chuẩn bị cho Kỉ niệm 10 năm thành lập CLB Haiku Việt Tp HCM. Từ Sài Gòn Thầy lại nhắn: “Gửi tiếp thơ để Thầy xem không thì không kịp đâu!”. Lúc đầu em nghĩ Thầy nhắc gửi cho kịp ra Tập san mới của CLB nhưng tự nhiên em thấy trái tim mình như thắt lại: “Không kịp là sao? Thầy đã linh cảm điều gì xấu???” Bao lo lắng nhưng em không dám tin… Em lại phấn chấn gửi Thầy qua email những bài mới viết. Rồi sau đó Thầy báo tin vào bệnh viện mấy lần điều trị bệnh trào ngược dạ dày. Thương xót Thầy em chỉ biết gửi vào những lời cầu nguyện Trời Phật cho Thầy vượt qua bệnh tật và em lại âm thầm viết thơ “Haiku” như một sự trấn an tinh thần. Vậy mà… Cuối tháng 4/2017, nhận tin báo của chị Kim Thanh, Thầy ốm nặng khó qua khỏi, em vội bay vào Sài Gòn mong được chăm sóc, bên Thầy trò chuyện. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng khi nhìn Thầy ốm yếu, tong teo trên gương bệnh em không cầm lòng được, xót xa vô hạn, không dám khóc trước mặt Thầy, đành nuốt nước mắt, nén lại để Thầy an lòng. Nghe em Thanh Tùng nói dù mệt và đau lắm Thầy vẫn muốn được nghe và vẫn làm thơ Haiku. Đêm hôm đó nghỉ tại nhà chị Kim Thanh em “được” khóc với những câu thơ gửi Thầy… Ngày thứ 2 (24/4/17) ở bệnh viện khi trong phòng chỉ có 2 thầy trò em đã ghé vào tai Thầy thì thầm: “Em đọc bài thơ mới làm Thầy nghe thử nhé?”. Thầy gật đầu. Em đã nấc nghẹn cố giữ khỏi bật khóc “Người hành khất / ngủ yên trên cỏ / cuối trời mây trắng bay”. Nghe rồi Thầy lại gật đầu. Thầy ơi, đây là bài cuối cùng em được “khoe” Thầy! Những ngày bên Thầy ở bệnh viện xót xa chứng kiến việc Thầy cố chịu đau kiên cường chống đỡ bạo bệnh trong em những câu “Haiku” ứa ra cùng nước mắt… Ba ngày qua đi thật nhanh! Nắm chặt bàn tay gầy guộc lằng nhằng dây truyền của Thầy, em trở về Hà Nội mà lòng ngổn ngang trĩu nặng. Tuần đó, đi trên những đường phố Hà Nội nơi Thầy trò mình đã từng qua, hình ảnh Thầy luôn hiện hữu: “Tháp Rùa nghiêng soi bóng / Hà Nội / dịu dàng xanh”. Em cứ viết như những lời cầu nguyện cho Thầy được trở lại với cuộc sống khỏe mạnh tràn đầy năng lượng như xưa, viết cho vơi đi nỗi lo sợ đang ám ảnh… Vậy mà chỉ đúng một tuần xa Thầy, 17g55’ ngày 2/5/2017 Thầy đã rời cõi trần và chỉ 7 phút sau em nhận tin dữ từ chị Kim Thanh. Trước mắt em trời đất tối sầm như sắp sụp đổ: “Hoàng hôn chơi vơi / chênh chao mặt đất / một vì sao rơi”… Thầy đã để lại một khoảng trống quá lớn, Thầy ơi! Những ngày ở Sài Gòn hộ tang Thầy buồn đau đến vô hạn! Em khóc thầy qua những câu thơ cho riêng mình! Lặng lẽ đau đớn cùng CLB… Buổi tối ở nhà tang lễ Lê Quí Đôn cả CLB bên Thầy đọc thơ, hát để Thầy nghe chắc Thầy vui lắm! Bọn em còn biết làm gì cho Thầy được đây? Còn giờ đây, đã 35 ngày Thầy đi về miền xa thẳm, âm dương cách trở đôi đường… Thầy ơi! Ngày Kỉ niệm 10 năm CLB thơ Thầy gây dựng đang tới gần. Tuyển tập thơ “Hoa bốn mùa” của Thầy, rồi Tập san của CLB, tuyển tập thơ của CLB sẽ có rất nhiều bài thơ Haiku hay, nhiều bài nghiên cứu về thơ Haiku sâu sắc (của bao thế hệ học trò, bạn tâm giao, của những người kính mến, ngưỡng mộ tài năng tâm đức của Thầy, và yêu thơ Haku) đã đang lên khuôn sắp hoàn chỉnh và chắc chắn là chất lượng nhất sẽ ra mắt trong sự mong đợi của Thầy. Tài hèn, sức mọn em chỉ góp vài lời từ tâm mong được tạ ơn phần nào tới Thầy. Em chỉ muốn nói lên một điều: Nếu không được học Thầy thì không biết bao giờ em mới viết nổi một câu Haiku, đến với thế giới thơ kì diệu này? Và còn nhiều điều khác nữa Thầy đã dạy em… Như vậy đấy, tôi đã “chơi” với thơ Haku đầu tiên là sự yêu kính, ngưỡng mộ Thầy để rồi giờ đây tôi đã chọn cho mình được thể thơ yêu mê nhất. Vì ở đây tôi thật sự thấy: “Đầu óc thư thái, vứt bỏ mọi phiền lụy của đời thường, sống an nhiên tự tại… ngộ ra nhiều điều về cuộc sống. Sống để làm nguời tử tế…” (lời Thầy). Và tôi vẫn lại viết vì biết đâu đấy ở trên trời Thầy luôn mỉm cười nhân từ, khích lệ…

Hà Nội, những ngày đầu tháng 6/2017

Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Yuki