(Viết cho Thầy tôi và cũng là Thầy của tất cả mọi người – Thầy Lưu Đức Trung)

Thầy ơi, vậy là thầy đã đi thật sao?

Chiều nay, một chiều trời cao xanh và mây trắng giăng đầy khắp nẻo, mọi người đã đưa tiễn thầy lần cuối trong những giọt nước mắt tiếc thương vô hạn!

Thầy đi trong mùa Phật Đản!

Thầy đi trong những ngày mà tất cả học trò thương yêu đang chờ đón sinh nhật lần thứ 85 của thầy!

Thầy đi trong những ngày trời Sài Gòn như chất chứa đầy tâm sự với những cơn nắng, cơn mưa bất chợt…

Thầy đi khi hoa bằng lăng đang nở tím những con đường quanh bờ kênh Nhiêu Lộc, trong màu hoa hoa muồng trải vàng dọc suốt con đường Hoàng Sa, Trường Sa; trong màu tường vi hồng hồng, tim tím; màu hoa sứ trắng tinh khôi lấp lánh nắng chiều, màu hoa điệp vàng cuối mùa như bừng lên đốm lửa tàn còn sót lại, màu hoa giấy mong manh, màu phượng đầu hè đỏ rực đến nhói lòng… và trong những cơn gió chiều mát rượi xua tan cái nóng nực, oi ả những lúc chiều về…

Thầy đã ra đi…

Giờ đây, khi những chuỗi ngày của quá khứ như mới hôm qua vừa khép lại, khi tiếng mưa đêm ngoài kia đã thôi rả rích như tiếng khóc tiễn đưa thầy, con lại nhớ thầy da diết!

Trong cuốn sổ lưu bút ở lễ tang thầy, con đã viết bài thơ haiku:

Nắng bỏ đường dài
người đi bỏ lại
vàng phai mấy mùa.

Kèm dòng suy nghĩ từ tận đáy lòng con gửi đến thầy trước lúc thầy ra đi: “Cảm ơn thầy vì tất cả! Được gặp gỡ, được học tập và được nghiên cứu cùng thầy là cuộc hạnh ngộ lớn của đời con”. Trong giờ phút ấy, con chỉ có thể viết được mấy chữ như vậy thôi, con không thể nói hết, không thể kể hết những kỷ niệm, những vui buồn và ân tình sâu đậm đối với thầy suốt mười năm qua. Con xin được giữ cho riêng mình những kí ức ấy, để sưởi ấm lòng trong những hành trình con đang và sẽ còn đi.

Thầy ơi, gần mười năm gắn bó với thầy, mười năm ấy gắn liền với quãng đời tuổi trẻ của con ở mảnh đất phương Nam đầy nắng ấm và lắm duyên nợ này, con cảm thấy mình thật may mắn vì đã có được gắp thầy. Con chợt nghĩ, nếu năm 2008 khi vừa ra trường, con không gặp thầy, có lẽ con đã rẽ về một hướng nào khác trong dòng đời này, con sẽ ra sao?… Người Ấn nói rằng: “Bất cứ người nào bạn gặp, cũng đúng là người bạn gặp cả. Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra”… Hôm nay, con lại chiêm nghiệm một lần nữa điều này khi nghĩ đến duyên hạnh ngộ với thầy trong đời. Quả là “hạnh ngộ” bởi thầy đã mang lại cho con không chỉ kiến thức, kinh nghiệm, những bài giảng về Tagore, về Basho, Kawa- bata Yasunari… mà thầy còn cho con cảm nhận được một “cách thế sống” đặc biệt, hiếm hoi trong cuộc đời xô bồ, hối hả này. Thầy từ tốn, bao dung, không phán xét… Thầy nhẹ nhàng, trân trọng, yêu thương và chở che cho những học trò đến với thầy, đặc biệt là những người trẻ còn non dại như chúng con. Dẫu người đời có làm tổn thương thầy thì thầy vẫn cứ vị tha, không oán trách, tỵ hiềm… Thầy lặng lẽ sống cuộc đời bình dị, nhỏ nhoi như bông hoa, ngọn cỏ mà không ngừng hi vọng, tin yêu… Đôi khi con tự hỏi sao thầy có thể chịu đựng, kiên trì, bền bĩ đến vậy? Tại sao hơn 80 năm trong cuộc đời đầy thăng trầm, biến cố, đầy những tranh đấu, tỵ hiềm, đổi trắng thay đen,… thầy vẫn giữ một cái tâm “sơ nguyên” trước cuộc đời như vậy? Và rồi con dần hiểu… Bởi thầy sống bằng lẽ sống của tình thương. Điều mà người đời luôn miệng nói đến trong đời nhưng mấy ai thực hành được một cách bền bĩ như thầy. Cuộc sống khắc nghiệt này khiến con người cứ bán dần, đổi chát dần từng miếng lẽ sống “vị Tình” ấy, để rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho những điều phi lí, trái ngang…

Mỗi khi cảm thấy mỏi mệt, con thường có thói quen tìm đến thầy. Ngồi bên thầy uống trà, ăn các loại bánh mà học trò hay con cháu thầy mua cho… bao giờ thầy cũng tự tay pha trà mời khách. Bao giờ con sang, thầy cũng lấy chiếc ấm Nhật màu cam có chữ An mà con mua tặng ra và chọn trà ngon pha cho con uống. Hôm thì thầy bảo Oolong thầy mới được tặng ngon lắm, hôm thì trà sen, hôm thì trà hoa ngâu, hoa sói, hôm lại San tuyết suối Giàng… Có hôm vì chưa ăn sáng mà sang thầy cứ mải những câu chuyện, mải những tách trà ngon, khi về con lại bị cào ruột vì uống toàn trà…

Con thích nói chuyện với thầy bởi thầy luôn kể những kí ức đẹp mà thầy chắt chiu từ những ngày xưa ấy, và rồi quá khứ của thầy hiện về, những gương mặt sinh viên, đồng nghiệp, những điều thú vị của mảnh đất Hà Thành – nơi thầy gắn bó gần 40 năm cứ thế cứ hiện về trong suy tưởng của con…

Con thích nói chuyện với thầy bởi thầy luôn kể chuyện trong một ánh mắt lấp lánh, chứa chan tin yêu, ấm áp dù tất cả đều đã là quá khứ…

Con thích nghe thầy nói vì ngày nào thầy cũng ngồi trong căn phòng đầy sách, nghe thời sự, cập nhật tin tức đó đây khắp thế giới rồi thầy sẽ kể cho con nghe lại điều gì đang diễn ra… (vì con đã thôi thói quen xem thời sự suốt hơn 10 năm nay)…

Đôi khi, con chỉ muốn ngồi im nhìn thầy, nhìn cách thầy pha trà bằng những dụng cụ như chơi đồ hàng trong thế giới của con ngày bé… Cái gáo dừa bé xíu thầy múc từng muỗng nước sôi, mấy cái chén con con thầy luôn trụng nước sôi trước khi mời khách, bộ sưu tập ấm trà do thầy tự mua, do con gái thầy tặng hay do học trò tặng được thầy nâng niu, gìn giữ và sử dụng mỗi khi có khách ghé thăm. Thói quen uống trà và niềm yêu thích trà của con cũng chính bởi từ thầy. Gần thầy, con cảm giác vui nhiều, nhẹ nhàng và thấy mọi thứ đẹp hơn. Bây giờ con mới hiểu tại sao như vậy. Những thứ xung quanh thầy, căn phòng ấy, những vật dụng ấy, dáng gầy gò và cặp mắt đăm chiêu, mái tóc bạc như mây mà thầy thường để cho học trò cắt hộ (có lần con cũng cả gan cắt tóc cho thầy bằng cái kéo cắt giấy và áo mưa tiện lợi)… và những câu chuyện hiền lành trong giọng nói nhỏ nhẹ, từ tốn của thầy… tất cả những thứ ấy làm lòng con dịu lại, lắng xuống và những nỗi buồn cũng dần tan biến, nguôi ngoai.

Con còn thích nói chuyện với thầy về haiku – điều mà thầy dành trọn tâm huyết trong khúc vĩ thanh của đời mình: những thăng trầm, những buồn vui, thành bại của một câu lạc bộ thơ đã tồn tại suốt mười năm do thầy sáng lập.

“Mười năm một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ

Mười năm – đá cũng ngậm ngùi thay”
(Ta về – Tô Thùy Yên)

…Vậy mà khi câu lạc bộ sắp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (24/6/2007 – 24/6/2017), thầy lại ra đi…

Con nhìn thấy ở thầy niềm đam mê văn chương nhiệt thành, vô vụ lợi, lòng tận tậm với nghề và với quê hương, đất nước. Thầy cứ như con ong cần mẫn đi hút mật hoa bốn mùa. Cứ như thế mà đã được gần 10 năm tròn. Sự tồn tại của một câu lạc bộ thơ có thể được 10 năm sao? – con chưa thấy ở đâu có cả. Tất cả nhờ sự gắn kết, nhờ niềm say mê và tâm huyết của thầy. Tất cả học trò ủng hộ thầy, học trò luôn bên cạnh bảo vệ và nuôi dưỡng đứa con tinh thần ấy của thầy… để cho “Khu vườn haiku” (cách thầy hay nói) thêm hương sắc. Thầy cứ như “người làm vườn” lặng lẽ mà cần mẫn đi gieo hạt thơ ca, gieo hạt yêu thương khắp nơi… Và rồi “để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”… Hữu xạ tự nhiên hương, có những người không phải là học trò thầy, chưa được học thầy ngày nào nhưng đã cảm kích tấm lòng của thầy, yêu thơ và rồi gia nhập hội, trở thành những người bạn thân thiết trong gia đình haiku. Và rất rất nhiều những người khác – “những người đẹp đến từ tận muôn phương, và không hò hẹn” cũng cùng mối duyên hạnh ngộ, cùng chung sức chung lòng đóng góp và ủng hộ hết mình. Thật đáng quý biết bao!

Con chợt nghĩ rằng cái khúc vỹ thanh của đời thầy mới thực sự ý nghĩa là tỏa bóng khắp nơi. Bởi thầy đã trở thành người kết nối tình yêu thương, trở thành người “thủ lĩnh tinh thần” của những thế hệ học trò vốn xuất thân tứ xứ và không biết nhau, từ Bắc chí Nam, tất cả đã được sống và làm việc trong tình yêu thương, sự sẻ chia, đồng cảm… Thầy ơi, cuối cùng thì không phải là những bài báo khoa học, những cuốn sách, những công trình biên khảo, cũng không phải những danh hiệu, huy chương mà người ta trao tặng cho thầy… điều cuối cùng ở lại, cái đẹp nhất và ý nghĩa nhất mà thầy trao gửi cho cuộc đời này là “khối ân tình” dành cho cuộc đời mà các học trò thầy từ lớp này đến lớp khác đã gìn giữ, trao gửi cho nhau… Con chưa bao giờ thấy một khối sức mạnh của tình yêu thương, sự chân thành, đoàn kết và sẻ chia nào mạnh mẽ và lan tỏa như thế giới Thầy – Trò, thế giới của Ánh sáng – Phù sa mà thầy tạo ra cho chúng con được thụ hưởng. Thế hệ trước chỉ bảo, dìu dắt thế hệ sau, nâng bước và giúp đỡ nhau như người nhà, thân thương, ruột thịt… Tất cả là vì “cách thế sống” của thầy. Con rất cảm động khi nghe một đàn chị trên mình, cũng là học trò ân tình của thầy mà con chưa được gặp mặt nói rằng: “Tất cả những học trò của thầy Trung đều là bạn của nhau”… Đúng là như vậy!

Ở mảnh đất miền Nam này, nhờ thầy mà con được gắn kết với các cô, các chị, các em – những thế hệ học trò của thầy trong clb Haiku. Mỗi người một tính, làm đủ thứ ngành nghề, đủ độ tuổi và hoàn cảnh… nhưng tất cả đều có điểm chung là thương yêu, kính trọng Ông già Haiku hết mực. Cô Thanh thì yêu thương thầy bằng sự tỉnh táo và hành động. Chị Cỏ yêu kính thầy như cha. Cô Tấm Thúy nhẹ nhàng, lặng lẽ. Cô Hảo cần mẫn, nhẹ nhàng. Cô Viên Trân tinh tế, tận tâm với nghệ thuật trà đạo Việt. Cô Thụy Du chu đáo, ân cần dù ở xa. Cô Kiều Phượng nghĩa tình, ấm áp. Em Nở lặng lẽ, chu toàn. Chị Anh Phan nhân hậu, lúc nào cũng bảo “thương thầy”… Nhân An bạn thân của con thì chất phác, chân thành; Em Nhạn hiền ngoan; em Hiền sôi nổi, nồng nhiệt và đa cảm… Còn rất rất nhiều anh, chị em khác như chị Chi, Mưa, chị Chiếu, chị Lam, anh Việt, em Tùng, em Nga, em Dung, em Huệ, Tiến, em Nhân Quý… đều là những người trọn nghĩa trọn tình với thầy và câu lạc bộ… Con nghĩ rằng tất cả mọi người đều chung suy nghĩ như con. Mỗi người, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ lối sống giản dị, trọng nghĩa khinh tài; cho nhiều hơn nhận của thầy… Chúng con trưởng thành cũng từ đó.

Thầy ơi, lúc này đây, kỉ niệm về những ngày tháng cuối cùng với thầy lại trở về trong con. Đó là lần cuối thầy gọi điện nhờ con sang ở cạnh thầy trước khi em Nhạn đến. Buổi chiều hôm ấy, thầy nhờ con sang vì người giúp việc về quê. Sau cuộc gọi, thầy nói câu “Cảm ơn con!” với giọng biết ơn và buồn bã. Con thấy lòng buồn vô hạn. Chiều hôm đó, thầy đã thiếp đi khi đang nói chuyện với con – điều chưa bao giờ xảy ra cho đến trước khi thầy ốm nặng… Con đã ra về khi thầy ngủ và lòng không bình lặng. Mấy hôm sau, khi thầy nặng hơn và bắt đầu không ăn được, thầy bảo với con thầy thèm mía! Con đã không tin vào tai mình vì thầy không thể ăn mía lúc này. Nhưng con chưa hiểu sao thầy lại muốn ăn mía như vậy nên con cũng đi mua. Mía mùa khô cứng ngắt. Vậy mà khi con chặt mía thành miếng nhỏ cho thầy, thầy đã nhai mía và khen ngon. Con không hiểu nhưng thấy thương thầy quá. Vì thầy có nhai được bao nhiêu đâu. Mấy miếng mía thầy nhả ra chỉ có vài dấu răng yếu ớt in trên đấy… Vậy mà thầy khen mía ngon! Và khi thấy con mua nhiều quá thì thầy bảo con mang về bớt mà ăn. Thầy ơi, lúc ra về con vẫn cứ ngạc nhiên không hiểu tại sao thầy muốn ăn mía… cho đến khi biết sự thực về căn bệnh của thầy!… Con nghe kể, món cuối cùng sau này thầy muốn nếm chính là mật mong. Có lẽ đó là cái món ngon ngọt dịu, đong đầy hương vị của đất trời, và thầy muốn nếm… như nếm vị ngọt cuối cùng của cuộc đời trước phút lâm chung.

Mật ong – là mật ngọt của đời mà, thầy nhỉ!

Thầy ơi! Thầy đã sống một cuộc đời trọn vẹn, đã đi trong niềm vui, nỗi buồn, trong tất cả những gì thuộc về trần gian nhất… Ai đó đã nói: Hạnh phúc là đi trong buồn vui của cuộc đời này. Vì vậy, con nghĩ rằng thầy, và cả chúng con nữa… đều sẽ là những người hạnh phúc, vì chúng ta được sinh ra là con người và được đi trong vui buồn của cuộc đời vô thường nhưng đáng sống này.

Đêm hôm qua, đêm cuối cùng bên thầy ở nhà tang lễ Lê Quý Đôn, con đã may mắn chứng kiến những giờ phút đáng sống nhất của cuộc đời làm người, con nghĩ rằng những ai có mặt, là chứng nhân của đêm ấy sẽ cảm thấy thật may mắn và sẽ được thanh lọc tâm hồn. Cái chết, sự ra đi là nỗi đau chia lìa, là sự thật. Nhưng cái chết lại mang đến sự gắn kết, hóa giải, và tình yêu thương. Đó là sự thật! Kỷ niệm về đêm hôm qua sẽ không bao giờ phai nhạt trong suốt cuộc đời nhỏ bé và hữu hạn này của con.

Thầy ơi, trong một lần nói chuyện với thầy, con và thầy đều nghĩ rằng: cuộc đời đa sự này, cho đến hết kiếp người, có lẽ chúng ta cũng không thể hiểu hết được về nó… Có lẽ vậy, thầy nhỉ! Cho đến hết kiếp người, có lẽ cũng không mấy ai dám nói rằng mình đã hiểu cuộc đời đâu.

Tất cả rồi sẽ qua, như bốn mùa, như dòng sông cuộc đời luôn trôi chảy…

Nhưng có một điều như chân lí: sự chết sẽ hiện hình sự sống.

“Thác là thể phách, hồn là tinh anh”… Thầy đã hóa thân vào những bông hoa, chiếc lá, những cơn gió, tiếng chim và cả ánh sáng mặt trời lấp lánh trên cao mà con thấy mỗi chiều… Con tin rằng thầy sẽ luôn dõi theo con cháu, dõi theo gia đình và tất cả học trò yêu thương để chở che, dẫn lối.

Hôm nay, chúng con đã tiễn thầy đi. Nhưng chỉ là tiễn hình hài, xác thân thôi thầy nhé. Vì thầy sẽ vẫn hiện diện nơi trần gian đầy ánh sáng, âm thanh và màu sắc của sự sống này, luôn hiện diện quanh chúng con với nụ cười hiền như Bụt ấy.

“Tháng Năm của ai
mà làn mây trắng
mông lung hình hài”
(Đông Tùng)

Tháng Năm, là của thầy, thầy nhé!
Mãi mãi là như thế trong kí ức chúng con!

Kính tiễn biệt Thầy kính yêu!

Sài Gòn, 8/5/2017.

Nguyễn Bích Nhã Trúc